Tuổi già không ai chăm cho, người mẹ Trung Quốc đã nghĩ ra 1 cách để tự nuôi sống mình, không cần dựa dẫm vào người khác. *Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Vương Bội Đan, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc). Hai năm trước, tôi bước sang 57 tuổi. Ở độ tuổi này, bạn bè hầu hết đã được nghỉ ngơi, có con cháu quây quần và hưởng thụ cuộc sống, còn tôi thì vẫn phải vật lộn với cơm áo gạo tiền để tồn tại. Vốn dĩ, tôi cũng có một gia đình đủ đầy và hạnh phúc, thế nhưng mọi thứ bỗng thay đổi kể từ khi chồng tôi mắc ung thư.
Căn bệnh quái ác ấy “ngốn” hết số tiền mà chúng tôi đã vất vả cả tuổi trẻ mới dành dụm được. 2 năm sau đó, chồng tôi qua đời. Từ đó, tôi một mình bươn chải làm lụng, kiếm tiền để nuôi con trai ăn học. Thương con, tôi làm lụng không quản ngày đêm để cố gắng cho con một cuộc sống đầy đủ như bạn bè cùng trang lứa. Mong ước giản đơn của tôi là con trai sớm có công việc ổn định, thành gia lập thất và sống hạnh phúc. Những năm này, mẹ con tôi nương tựa vào nhau để sống, dù khó khăn nhưng tôi vẫn rất vui vẻ.
Sau nhiều năm bươn chải với nhiều nghề, tôi cũng tiết kiệm được 200.000 NDT (hơn 700 triệu đồng). Lúc đó, con trai đã lớn muốn mua nhà và lấy vợ nên xin tôi sử dụng số tiền đó. Thấy tôi phân vân, con trai đã hứa sau này sẽ chăm chỉ làm việc để nuôi gia đình và phụng dưỡng tôi. Nghe vậy, tôi xuôi lòng. Tuổi già được con cái chăm sóc, phụng dưỡng cũng là điều tôi vẫn luôn mong mỏi. Hơn nữa, con trai là tài sản lớn nhất, cũng là niềm tự hào của tôi, tôi không thể vì chút ích kỷ của bản thân mà khiến ngày trọng đại của con mình không được trọn vẹn. Nghĩ vậy, tôi lại tìm đến họ hàng để vay thêm 200.000 NDT giúp con lo liệu cuộc sống mới.
Thái độ của các con khiến tôi vô cùng thất vọng. (Ảnh: Internet) 3 năm sau đó, con dâu mang bầu nên tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để lên thành phố chăm sóc. Cứ nghĩ đó là thời điểm thích hợp để dọn về sống cùng các con, thế nhưng thái độ của chúng khiến tôi vô cùng thất vọng. Không chỉ lạnh nhạt với tôi, con dâu còn lạnh lùng tuyên bố việc chăm cháu sẽ đã có bà ngoại lo, tôi hiện tại không có lương hưu nên hãy tranh thủ giữ gìn sức khỏe rồi tìm thêm việc làm để có tiền trang trải lúc về già. Nghe con dâu nói xong, tôi sững sờ tìm đến con trai để hỏi rõ chuyện. Trước câu hỏi của tôi, con trai tỏ vẻ bận rộn rồi đáp:
“Nhà con hiện giờ chỉ đủ cho 4 người ở. Sắp tới có em bé, bà ngoại có lương hưu nên ở nhà chăm sóc cháu sẽ tiện hơn mẹ ạ. Gia đình vẫn cần một người kiếm tiền nữa để lo liệu việc trả nợ nên nếu được, mẹ tiếp tục đi làm và phụ vợ chồng con về tài chính nhé”. Sau khi nghe những lời này, tôi vô cùng choáng váng. Cứ nghĩ vất vả nửa đời người, sau này tuổi già sẽ có thể trông cậy vào con cái. Vậy mà ngay cả khi tôi đã sắp sang tuổi lục tuần, các con vẫn muốn tôi lao động để kiếm tiền giúp chúng trả nợ. Vì quá đau lòng, tôi bỏ về quê ngay hôm đó.
Trước khi rời đi, tôi không quên căn dặn con mình rằng nó đã trưởng thành thì phải tự mình lo liệu mọi thứ, tôi đã già nên không thể đi theo giúp nó mãi được. Về quê, nghĩ đến chuyện về già không lương hưu lại ở một mình, tôi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Dẫu vậy, tôi quyết tâm không dựa dẫm vào con trai mà tự lên kế hoạch tương lai cho mình. May mắn thay, qua sự giới thiệu của bà con hàng xóm ở quê, tôi làm giúp việc cho một gia đình giàu có trong vùng. Công việc hàng ngày của tôi là chăm sóc một bà cụ bị tai biến liệt nửa người. Thực chất, hai người con của bà cụ này đi làm ăn xa nên cần một người quan tâm và trò chuyện cùng bà cụ.
Khó lắm mới tìm được một công việc để nuôi sống bản thân ở tuổi U60 nên tôi rất trân trọng và cố gắng. Việc nhẹ lương cao, tôi làm được 1 năm đã tích góp được một khoản kha khá. Nhờ có công việc này, 2 năm qua, tôi không chỉ có tiền để trang trải cuộc sống mà còn tìm được một người bạn giúp cuộc sống về già bớt hiu quạnh. Sau những việc đã xảy ra, vợ chồng con trai tôi cuối cùng cũng nhận ra lỗi lầm. Cả hai cũng thường xuyên đưa con về quê chơi với tôi để gia đình có khoảnh khắc đoàn viên. Thiết nghĩ, cuộc sống hiện tại với tôi như vậy là đã quá viên mãn.
Sau tất cả, tôi cũng nhận ra rằng nhiều bậc cha mẹ trong cuộc sống này thường hy sinh cả cuộc đời mình cho con cháu và trông mong cuối đời sẽ có chỗ nương tựa. Cũng vì thế mà họ quên mất rằng không phải con cái mà bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất.