“Mình cứ xin, 5 lần 7 lượt xin thì cũng có vài lần phù hợp, đạo diễn sẽ cho nhân vật của mình xuất hiện”, Minh Cúc chia sẻ.
Nữ diễn viên Minh Cúc thường xuyên xuất hiện với những vai phụ, là ô-sin, giúp việc hoặc người lao động lam lũ trên màn ảnh nhỏ. Tuy chỉ đảm nhiệm những vai phụ, ít “đất diễn” nhưng Minh Cúc vẫn để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
– Dường như Minh Cúc rất hợp với vai ô-sin, người lao động chân tay. Từ “Hương vị tình thân”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao” đến “Cuộc chiến không giới tuyến”, chị đều nhận vai dạng này?
Đó có lẽ là thế mạnh của tôi. Từ trước đến nay tôi luôn muốn được làm vai diễn nào đó không quá đơn thuần, không phải những vai tính cách một màu, các vai diễn của tôi cứ phải “hâm hâm” một tí.
Có lẽ vì thế nên khán giả đã bắt đầu quen với kiểu “hâm hâm”, gây cười của tôi. Nhưng tôi nghĩ mỗi vai diễn cho dù có hoàn cảnh khá giống nhau nhưng vẫn để lại những cảm nhận riêng cho khán giả.
Ví dụ như vai ô-sin trong Hương vị tình thân khiến khán giả yêu mến, vai Bình trong Cuộc đời vẫn đẹp sao vừa đáng yêu lại vừa đáng ghét, vai ô-sin Sú của Cuộc chiến không giới tuyến lại lạnh lùng, bí ẩn khiến khán giả sợ.
Diễn viên Minh Cúc.
– Chị thường đảm nhiệm các vai phụ nhưng lại có khá nhiều đất diễn và vai nào cũng để lại ấn tượng mạnh cho khán giả, bí quyết là gì vậy?
Nói là “bí quyết” thì hơi to tát, thật ra chỉ là do tôi yêu nghề thôi. Tôi rất thích những vai ngắn nhưng được phát triển thêm, thậm chí là cả những vai còn không có trong kịch bản.
Thú thực, khi tổ chức sản xuất phim gọi tôi đi làm phim Cuộc chiến không giới tuyến , mọi người cũng nói rằng vai này ngắn lắm. Thậm chí, trước đó vai này là dành cho diễn viên nam nhưng sau đó đạo diễn Danh Dũng lại đổi thành diễn viên nữ và để tôi diễn.
Tôi nghĩ vai của mình chỉ kéo dài vài tập hoặc một ít cảnh quay mà thôi. Nhưng rồi trong quá trình quay, dù cảnh quay đó không có tôi, tôi vẫn ở bên cạnh xem mọi người diễn, cảm thấy đoạn nào phù hợp tôi sẽ xin đạo diễn cho nhân vật của mình xuất hiện.
Tôi không ngại “trơ mặt” đi xin thêm cảnh quay hay xin vai diễn đâu. Mình cứ xin, 5 lần 7 lượt xin thì cũng có vài lần phù hợp, đạo diễn sẽ cho nhân vật của mình xuất hiện. Cũng may mắn là tôi thường được giao những vai có tính cách đặc biệt nên dễ gây ấn tượng với khán giả.
“Tôi không ngại “trơ mặt” đi xin thêm cảnh quay hay xin vai diễn”.
– Có khi nào chị bị phản ứng khi xin thêm cảnh, xin vai không?
Không, tôi chưa bao giờ thấy mọi người phiền lòng về việc này. Hơn nữa tôi xin thêm nhưng không hề tham lam, vô lối. Tôi phải thấy cảnh đó phù hợp với nhân vật thì mới xin chứ không bằng mọi cách để xuất hiện nên không gây ảnh hưởng tới đoàn làm phim hay kịch bản.
Ngoài ra, việc trao đổi giữa đạo diễn và diễn viên về cảnh quay, về kịch bản là chuyện hết sức bình thường và nên có. Đạo diễn Danh Dũng là người rất tôn trọng diễn viên và kịch bản, nếu cảm thấy cảnh quay không phù hợp anh ấy sẵn sàng cắt ngay nhưng nếu những cảnh quay đó là cần thiết, anh sẵn sàng bồi đắp để nó hay hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ việc mình xin thêm cảnh hay đi xin vai cũng chẳng có gì sai, mình có thêm cơ hội để diễn xuất mà vai diễn cũng được bồi đắp tốt hơn thì tại sao lại không xin?
Minh Cúc: “Tôi nghĩ việc mình xin thêm cảnh hay đi xin vai cũng chẳng có gì sai”.
– Đang đảm nhiệm những vai diễn được yêu mến, qua nhân vật Sú của “Cuộc chiến không giới tuyến” lại bị chê xấu, bị khán giả sợ hãi, chị cảm thấy thế nào?
Vai Sú vừa xuất hiện mọi người đã thấy kỳ quái và chê xấu, thô vì đàn bà chẳng ra đàn bà. Tôi xem lại thì cũng thấy nhân vật của mình xấu thật.
Ngay từ đầu phim, đạo diễn Danh Dũng đã nói rằng tôi càng ít lời càng tốt, phải thể hiện được sự lầm lỳ. Tình cờ thế nào khi chúng tôi đi quay, tôi lại liên tục bị mất tiếng. Tôi cứ cất tiếng để thoại thì giọng lại chì xuống, càng làm cho khán giả cảm thấy khó chịu hơn.
Không chỉ thế, bộ phục trang người dân tộc mà tôi mặc trong phim cũng hơi chật nên dáng đi vừa cứng vừa thô, làm hình ảnh nhân vật càng đặc biệt hơn.
Tạo hình của Minh Cúc trong vai Sú.
– Vậy chắc hẳn chị có nhiều kỷ niệm với nhân vật Sú?
Nhiều khán giả nói với tôi rằng xem nhân vật Sú họ sợ đến mức tối không dám xuống bếp hay trẻ con đang ăn mà nhìn thấy Sú tự dưng khóc thét lên. Tôi nghĩ như vậy là mình thành công đấy chứ!
Thế nhưng cũng có nhiều điều thú vị khi khán giả sợ nhân vật Sú. Bình thường tôi hay livestream để bán hàng online, thời điểm nhân vật Sú ngày càng nguy hiểm, tôi cũng có livestream vài phiên, nhưng lượt tương tác giảm hẳn vì mọi người nói sợ phải nhìn thấy Sú.
Thú vị hơn nữa, khi phim phát đến những tập gần cuối, tôi có lên Cao Bằng tham gia chương trình lễ hội. Lên trên đó tôi diện trang phục của phụ nữ người Tày, bà con nhìn thấy ai cũng bảo: “Trên phim nhìn kinh thế mà ngoài đời lại đáng yêu, hồn nhiên vậy”.
Sau phim, khi gặp bà con vùng cao hay các chiến sĩ biên phòng, chúng tôi đều nhận được cái nhìn thiện cảm từ mọi người. Mọi người rất vui vì có phim làm về cuộc sống của người dân vùng cao. Tôi nghĩ đó chính là những kỷ niệm đẹp nhất của tôi đối với vai Sú trong Cuộc chiến không giới tuyến.
“Nhiều khán giả nói với tôi rằng xem nhân vật Sú họ sợ đến mức tối không dám xuống bếp”.
– Trong phim này chị có nhiều cảnh quay “cà khịa” với Hà Việt Dũng – phản diện nguy hiểm nhất của phim. Chị nhận xét thế nào về bạn diễn này?
Đây là lần đầu tôi và Hà Việt Dũng làm việc với nhau nên ban đầu tôi có chút giữ ý. Tôi thường sẽ thăm dò xem bạn diễn đó tính cách như thế nào, cách diễn ra sao để mình hợp tác cho phù hợp.
Ban đầu tôi có chút dè chừng, nhưng khi tôi vừa chào thì Hà Việt Dũng đã nở nụ cười rất “lầy lội” khiến tôi hơi bất ngờ. Sau vài câu chào hỏi, tôi cũng tìm hiểu thêm về bạn diễn trên trang cá nhân của anh ấy và phát hiện ra anh này “lầy lội” thật. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi làm việc chung khá thoải mái.