Chỉ vì một phút chủ quan, cặp đôi đã trở thành nạn nhân của shipper giả mạo.
Trần Tụ Long (Thủng) và Phan Tuyết Nga (Bom) là chủ nhân sở hữu kênh TikTok Thủng Long Family. Hiện cặp đôi có 2.4 triệu người theo dõi và hơn 87 triệu lượt yêu thích.
Các video của Thủng Long Family chủ yếu xoay quanh cuộc sống hàng ngày của cặp vợ chồng trẻ, rất nhiều người đã tìm thấy chính mình trong hàng loạt tình huống ngộ nghĩnh của gia đình trẻ này.
5 triệu đồng “không cánh mà bay”
Bất ngờ, ngày 29/12, cặp đôi đăng tải video có nội dung khác biệt so với nội dung vẫn đang làm hàng ngày. Cụ thể, gia đình Thủng Long đã bị lừa mất 5 triệu đồng. Kể lại sự việc, Bom cho biết: “Mình vừa có trải nghiệm không được tốt đẹp cho lắm khi bất cẩn để kẻ gian lợi dụng kẽ hở lừa tiền dưới danh nghĩa shipper”.
Cụ thể, cô đã đặt một đơn hàng trị giá 5 triệu đồng. Khi shipper giao hàng đến, cô không ở nhà nên đã hẹn giao lại vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, người này tỏ ra khó chịu và không đồng ý, nói rằng nếu không nhận đơn thì sẽ bị hủy.
Không muốn mất công đặt hàng, Bom đã nhờ người nhà xuống lấy và chuyển khoản số tiền hơn 5 triệu đồng cho shipper. Tuy nhiên, sau khi chuyển khoản, người này không thể liên lạc. Cặp đôi đã khiếu nại và chờ giải quyết.
Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, gia đình Thủng Long lại nhận được điện thoại và báo nhận đơn hàng. Lần này, người giao là shipper quen trong khu nhà. Cặp đôi được biết, sáng hôm đó, đơn hàng mới được bàn giao lại cho shipper. Sau tất cả, cặp đôi mới phát hiện mình đã bị lừa. Không những vậy, họ còn biết được rằng nhiều người cũng gặp phải tình huống tương tự.
Qua câu chuyện của mình, gia đình Thủng Long nhắc nhở mọi người, đặc biệt những người hay mua hàng online nâng cao cảnh giác vào dịp cuối năm.
Cặp đôi chia sẻ sự cố, đồng thời nhắc nhở mọi người nên cảnh giác hơn.
Có thể nói, đây không phải trường hợp đầu tiên mất tiền oan. Nhờ sự phát triển của thương mại điện tử cũng như mô hình bán hàng online trên các trang mạng xã hội mà dịch vụ giao hàng cũng đắt khách không kém. Tuy nhiên, đi đôi với tiện lợi thì cũng ẩn nấp không ít những chiêu lừa đảo tinh vi. Tình trạng giả dạng thành các shipper để lừa tiền ship hàng từ vài chục nghìn cho tới hàng triệu đồng dần trở nên phổ biến.
Vậy làm thế nào để tránh bị lừa?
Việc để loại số điện thoại, địa chỉ cá nhân công khai trên các trang mạng xã hội là một trong những điều kiện để kẻ gian lợi dụng, lấy thông tin. Hoặc thói quen vứt bao bì gói hàng có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên ngoài cũng tạo điều kiện cho kẻ gian biết được sở thích mua sắm của người mua rồi từ đó lên kế hoạch giăng bẫy.
Để tránh rơi vào tình huống “mất tiền oan”, mọi người nên lưu ý những điều sau:
Theo dõi tình trạng đơn hàng
Để tránh bị đánh cắp thông tin, đơn hàng giả được giao đến nhanh hơn đơn thật, mọi người cần chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng. Các nền tảng mua hàng online đều cập nhật từng bước trong đơn hàng.
Chủ động bảo vệ thông tin cá nhân ở mọi nền tảng
Xé nhỏ hóa đơn mua hàng bằng giấy trước khi cho vào thùng rác; không bình luận số điện thoại hay địa chỉ, món đồ mình mua vào các bài đăng bán hàng công khai. Mọi người nên nhắn tin riêng để bảo vệ thông tin cá nhân.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Với những nơi mua sắm lạ, đối chiếu số điện thoại, mã vận đơn rồi mới nhận hàng
Mọi người nên kiểm tra thông tin đơn hàng bên ngoài rồi mới nhận, từ thông tin shop, thông tin người nhận, mã vận đơn.
Khi có người giao hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin người gửi hoặc kiểm tra gói hàng bên trong (nếu được)
Mọi người cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm mình đã đặt mua xem có trùng khớp với thông tin mã đơn hàng trên ứng dụng của các sàn giao dịch thương mại điện tử hay không thì mới nhận hàng và trả tiền.
Tổng hợp