Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định cụ thể 22 hành vi vi phạm Luật Đất đai 2024 bị xử phạt hành chính. Đó là những hành vi vi phạm nào?
Các hành vi vi phạm Luật Đất đai bị xử phạt hành chính
Tại Chương II Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định cụ thể 22 hành vi vi phạm Luật Đất đai 2024 bị xử phạt hành chính bao gồm:
(1) Sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
(2) Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
(3) Sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
(4) Sử dụng các loại đất khác sang đất chăn nuôi tập trung khi thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
(5) Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
(6) Lấn đất hoặc chiếm đất.
(7) Hủy hoại đất.
(8) Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác.
(9) Không đăng ký đất đai.
(10) Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp bằng quyền sử dụng đất mà không đủ điều kiện theo quy định.
(11) Chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp đối với đất không thuộc trường hợp được chuyển quyền, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp theo quy định.
(12) Tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không có phương án sử dụng đất; cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vượt hạn mức mà không thành lập tổ chức kinh tế theo quy định.
(13) Nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất vi phạm khoản 8 Điều 45 và khoản 3 Điều 48 Luật Đất đai 2024.
(14) Bán tài sản gắn liền với đất, quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 46 Luật Đất đai 2024.
(15) Chủ đầu tư đã được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm mà cho thuê lại đất dưới hình thức thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê.
(16) Nhận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế – xã hội không có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 127 Luật Đất đai 2024.
(17) Không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục.
(18) Không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 255 Luật Đất đai 2024.
(19) Vi phạm quy định về quản lý mốc địa giới đơn vị hành chính.
(20) Vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất.
(21) Vi phạm quy định về cung cấp thông tin đất đai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, thu thập chứng cứ để giải quyết tranh chấp đất đai.
(22) Vi phạm điều kiện về hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai.
Nhiều người mừng thầm khi được hưởng quyền lợi đặc biệt này theo quy định mới nhất của Luật Đất đai
GĐXH – Từ năm 2025, Luật Đất đai 2024 sẽ có hiệu lực trong đó quy định sổ đỏ thửa đất của hộ gia đình sẽ ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất.
Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định cụ thể 22 hành vi vi phạm Luật Đất đai 2024 sẽ bị xử phạt hành chính. Ảnh minh họa: TL
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Điều 30 Nghị định 123/2024/NĐ-CP, quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc địa giới đơn vị hành chính.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Điều 31 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định thẩm quyền của thanh tra chuyên ngành
Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành đất đai của Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành lập, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra do Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất có quyền:
– Phạt cảnh cáo;
– Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;
– Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;
– Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;
– Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
Thanh tra Quốc phòng có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất quốc phòng theo quy định tại Nghị định này.
Chánh Thanh tra Công an tỉnh, Chánh Thanh tra Bộ Công an có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong sử dụng đất an ninh theo quy định tại Nghị định này.
Các chức danh Công an theo quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính được xử phạt đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định này theo thẩm quyền.
Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
Theo Điều 33, Nghị định 123/2024/NĐ-CP, trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được quy định như sau:
– Khi xử lý vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm hành chính tại các Điều 17, 18 và 20 Nghị định này thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 81, Điều 82 Luật Đất đai thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
– Khi xử lý vi phạm hành chính mà hành vi vi phạm hành chính đó thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 Nghị định này thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy phép, đăng ký hoạt động hành nghề để phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
– Thông báo bằng văn bản về các trường hợp có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và các trường hợp đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định này đến cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về đất đai cấp tỉnh để đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp danh sách các trường hợp có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và các trường hợp đã chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.