Thời gian qua các cơ quan chức năng ở Việt Nam liên tục phát đi những cảnh báo về nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, thế nhưng tỷ lệ nạn nhân sập bẫy lừa vẫn liên tục tăng cao.
Theo thông tin của Bộ Công an, đơn vị này đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Kẻ xấu còn dựng ra nhiều kịch bản để lừa người dùng vào bẫy, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền… Theo thống kê của đơn vị này, trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng- tài chính.
Thời gian qua Cục An toàn thông tin – Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục đưa ra các thông tin cảnh báo lừa đảo trên không gian mạng hàng tuần
Nguyên nhân khiến người dân Việt Nam trở thành nạn nhân sập bẫy lừa đảo ở top đầu thế giới, đã được các chuyên gia phân tích chỉ ra.
Ông Philip Hùng Cao, Chiến lược gia và Nhà truyền bá về Zero Trust cho biết, 16 tỷ USD là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng trong khả năng nhận thức thông tin và sử dụng mạng. Ngành công nghiệp, lừa đảo qua mạng có tỉ suất lợi nhuận 2.500% trong năm qua, dự đoán năm 2024 tỷ suất lợi nhuận càng tăng.
Ông Võ Văn Khang, Phó Chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa) lưu ý tội phạm mạng tại Việt Nam đang ngày càng phình to. Hiện nay, lừa đảo được xem là một ngành công nghiệp bởi vì không còn đơn giản xuất phát từ một cá nhân hay nhóm nhỏ.
Ngành này hình thành và bùng phát 5 năm qua song song trong thời buổi phát triển tiến bộ của khoa học công nghệ. Những đối tượng lừa đảo có các giáo trình, phương pháp tâm lý học, công cụ hiện đại để tiếp cận các nạn nhân.
Phó Chủ tịch Vnisa đánh giá tỉ lệ người dùng Việt Nam sử dụng công nghệ luôn luôn đứng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về internet chỉ ở mức trung bình trên thế giới. Đó là điều kiện để các đối tượng xấu khai thác.
“Đối tượng lừa đảo sử dụng các phương thức có sẵn, có các nhánh tiếp cận theo hình phễu, hiểu rõ các nạn nhân tiềm năng và tỉ lệ lừa thành công rất cao. Những người thường được hướng đến là người có đồng tiền nhàn rỗi hoặc muốn làm việc nhẹ lương cao”- ông Khang cho hay.
Điều đáng nói, rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, nhưng phần vì ngại, phần vì tâm lý xấu hổ nên họ âm thầm không nói ra, nên càng không thể thông tin cảnh báo tới nạn nhân khác.
Thêm nguyên nhân nữa là thời gian qua, hình thức lừa đảo trực tuyến không mới, nhưng các đối tượng lừa đảo đã chuyển hướng vào các nạn nhân mới. Đó là người cao tuổi, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp và cả trẻ em. Lý do bọn lừa đảo nhắm vào các đối tượng này là vì họ đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp.
Gia tăng tình trạng chị em bị lừa đảo qua mạng xã hộiĐỌC NGAY
Để ngăn ngừa vấn nạn lừa đảo qua mạng, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân nhận diện các chiêu thức lừa đảo; phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân.
Điều quan trọng nhất là người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi sử dụng mạng để tránh những rủi ro. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng nên chậm lại, suy nghĩ kỹ trước khi click chuột hoặc tắt hết các kết nối khi không cần dùng đến như wifi, bluetooth…, để hạn chế sự tiếp cận của các đối tượng lừa đảo.
Điều quan trọng nhất là khi “sập bẫy” lừa đảo, người dân nên tham gia tố giác tội phạm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ để giúp cơ quan công an trong công tác tập hợp thông tin, tuyên truyền và điều tra vụ án, xử lý đối tượng.