Giao thừa là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và là dịp tiễn đưa các vị thần trong năm cũ, đón tiếp các vị thần của năm mới.
Ý nghĩa phong tục cúng Giao thừa
Cúng Giao thừa là phong tục của người Việt Nam từ xa xưa nhưng cách thức thực hiện nghi lễ này ở ba miền Bắc – Trung – Nam cũng có nhiều điểm khác nhau.
Theo từ điển Hán – Việt của tác giả Ðào Duy Anh, Giao thừa nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy nên hàng năm vào lúc giao thời giữa hai năm cũ, mới có lễ trừ tịch.
Ý nghĩa của lễ trừ tịch là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến.
Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”. Lễ trừ tịch cử hành vào lúc Giao thừa nên còn mang tên là lễ Giao thừa .
Cúng Giao thừa là nghi lễ quan trọng đối với người Việt.
Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà.
Hết một năm, vị Hành khiển cũ đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống cai quản Hạ giới trong năm mới.
Mâm lễ được sắp bày với lòng thành kính tiễn đưa người nhà Trời đã cai quản mình năm cũ trở lại thiên đình và đón người mới xuống sẽ làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Do bàn giao việc cũ, tiếp quản công việc năm mới diễn ra trong không khí khẩn trương nên các vị chỉ có thể ăn vội vàng, hoặc chỉ kịp chứng kiến tấm lòng thành của chủ nhà.
Vì thế, ngày Tết trên bàn thờ mỗi gia đình phải luôn có bình hương, đèn dầu và hai ngọn nến thắp sáng.
Mâm cúng giao thừa luôn được gia chủ chuẩn bị kỹ lưỡng.
Cúng Giao thừa lúc mấy giờ?
Cúng giao thừa mấy giờ thường là câu hỏi của mỗi người khi lần đầu thực hiện lễ cúng này. Thông thường người ta thường cúng giao thừa vào giờ chính Tý – tức 12 giờ đêm ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp Tết.
Đây cũng chính là khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới và là dịp tiễn đưa các vị thần trong năm cũ, đón tiếp các vị thần của năm mới.
Cúng Giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?
Khi cúng giao thừa phải làm hai lễ, một lễ trong nhà và một lễ ngoài trời, nên cúng giao thừa ngoài trời trước hay trong nhà trước là băn khoăn của nhiều gia đình.
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ ngoài trời phải làm trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu” tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ.
Sau khi hoàn tất lễ ngoài trời, các gia chủ sẽ tiến hành cúng giao thừa trong nhà, khi đã bày đầy đủ lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính cầu khấn.
Theo phong tục của người Việt Nam từ cổ xưa, Giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà chuẩn bị chu đáo để đón người đến xông đất, mang tài lộc vào nhà.
Tuy nhiên, phong tục mỗi miền về mâm cỗ cúng Giao thừa vẫn có nét khác nhau.
Mâm cúng Giao thừa khác biệt giữa các vùng miền
Mâm cúng Giao thừa trong nhà miền Bắc
Tại miền Bắc, mâm cúng giao thừa trong nhà gồm những gì? Mâm cơm cúng giao thừa trong nhà của người miền Bắc thường là những món truyền thống, bao gồm 4 bát, 4 đĩa. Nếu cỗ lớn hay gia đình có điều kiện thì bao gồm 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời cơ bản không thể thiếu là đèn/nến, hương, vàng mã, trầu cau, hoa tươi, trái cây. Đối với trái cây, bạn cần chọn 5 loại quả khác nhau sao cho đảm bảo tươi, ngon, không bị dập và chín quá.
Đặc biệt mâm cúng giao thừa ngoài trời có cần gạo muối, đây là 2 thứ không thể thiếu được trên mâm cúng.
Mâm cơm cúng Giao thừa miền Bắc
Nhìn chung, mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài trời của người miền Bắc khá đầy đủ và phong phú. Đặc biệt gà luộc với xôi đỗ xanh ít khi thiếu trong mâm cỗ mặn và gà cúng Giao thừa thường phải là gà trống.
Theo quan niệm từ ông cha để lại, vì Giao thừa (trừ tịch) là đêm mà mặt trời ngủ sâu nhất, bởi thế nên các cụ ta thường hay cúng gà trống với hy vọng con gà sẽ cất cao tiếng gáy đánh thức mặt trời dậy để cả năm được tràn ngập ánh sáng, mưa thuận gió hòa, con đường tiền tài, sức khỏe… được rạng rỡ, sáng sủa.
Những con gà trống vàng ươm, da bóng, sáng nằm yên vị trên mâm xôi thơm nức luôn hằn sâu trong tâm trí mỗi người Việt và nó trở thành một nét văn hóa tâm linh đẹp chẳng bao giờ phai. Nhiều gia đình còn thay gà trống bằng thủ lợn.
Bên cạnh xôi, gà hoặc thủ lợn, người Bắc cúng Giao thừa cùng bánh chưng vuông, bánh chưng dài (nhiều nơi còn gọi là bánh tày, còn người miền Nam lại gọi là bánh tét) và hoa quả.
Những loại quả già, chín, mọng còn tươi mới để bày tỏ lòng thành kính dâng lên thần linh, thổ địa, tổ tiên như táo, lê, cam, quýt, bưởi và chuối. Nói chung, cách chọn hoa quả cúng đêm Giao thừa cũng như trong mấy ngày Tết của người Bắc không quá khắt khe như người miền Nam.
Trong mâm cỗ cúng Giao thừa ngoài Bắc, nhiều gia đình còn cúng quả trứng luộc để chung với chút gạo, muối và một bát cháo trắng.
Mâm cúng Giao thừa miền Nam
Mâm cúng giao thừa trong nhà ở miền Nam
Mâm cỗ cúng giao thừa của người miền Nam thường ưu tiên các món nguội do miền Nam có thời tiết nắng nóng đặc trưng
Thời khắc Giao thừa , người miền Nam cúng ngoài sân và trong nhà. Lễ cúng đơn giản với đĩa ngũ quả, hoa trang hoặc vạn thọ, sống đời, hai cây đèn cầy, lư hương, giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn.
Nhiều người cho biết, cúng Giao thừa ở miền Nam ngày nay đã lược bớt một số công đoạn cũng như giảm đi phần lễ. Nếu đầy đủ và “đúng chuẩn” thì mâm lễ mặn phải có thủ lợn luộc, gà trống luộc, xôi, bánh chưng, chè, đặc biệt kèm thêm bắp cải thảo… tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà.
Vào đúng thời điểm Giao thừa, người chủ gia đình phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn duy trì cách cúng đầy đủ như thế.
Mâm cúng Giao thừa miền Trung
Mâm cúng giao thừa trong nhà ở miền Trung
Theo một số người chia sẻ, đêm Giao thừa lễ cúng ngoài trời của người miền Trung với hương trầm ngào ngạt, không gian thờ phượng đoan nghiêm, mọi người trong gia đình đứng xếp hàng theo thứ tự trước án thờ dâng hương cúng Giao thừa.
Bắt đầu từ thời khắc Giao thừa thì trên bàn thờ luôn luôn được hương chong đèn rạng, nghi ngút trầm hương.
Mâm cỗ cúng Giao thừa của người miền Trung cũng không thể thiếu gà, bánh chưng và bánh nếp.
Có nhiều gia đình làm đơn giản hơn là mâm xôi và gà luộc cùng những chén rượu để tiễn năm cũ qua đi, bỏ lại sau lưng những gì không may mắn và đón những thời khắc đầu tiên của năm mới với hy vọng về sự may mắn và sung túc.
Trên thực tế, ngoài ý nghĩa mang màu sắc tâm linh đẹp đẽ của người dân Việt Nam thì đêm Giao thừa chính là thời điểm các thành viên trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau, cùng hướng tới một năm mới với nhiều điều bất ngờ đang đón chờ ngoài cửa.
Những món ăn trong mâm cỗ dù sang trọng hay bình dân đều mang ý nghĩa riêng biệt, sâu sắc mà mỗi người Việt đều thành tâm dâng lên tiên tổ.