Theo Thông tư 29 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, từ năm 2025, học sinh sẽ không phải nộp tiền học thêm trong trường, số tiền này được trích từ ngân sách.
Ngày 07/01/2025 báo VTC đưa tin “Quy định mới: Học sinh không phải nộp tiền học thêm”. Nội dung chính như sau:
Từ trước đến nay, tiền học thêm trong nhà trường đều được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Do đó, mỗi trường sẽ thu số tiền học thêm khác nhau nhưng các trường đều tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm.
Tuy nhiên, trong Thông tư số 29/2024 do Bộ GD&ĐT ban hành nêu ra những nội dung mới với hoạt động thu và quản lý tiền học thêm trong nhà trường. Nội dung mới chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2.
Nhà trường có được phép thu tiền học thêm của học sinh? (Ảnh minh họa)
Điều 7 Thông tư mới quy định, kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sẽ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Tức là nhà trường không được tổ chức thu tiền học thêm của học sinh như trước đây, kinh phí tổ chức dạy thêm sẽ lấy từ ngân sách.
Đồng thời, hoạt động học thêm trong nhà trường chỉ dành cho ba nhóm:
Có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề;
Được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi;
Học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi lớp 10, thi tốt nghiệp.
3 đối tượng này thuộc trách nhiệm phải bồi dưỡng, được đưa vào nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường để đáp ứng mục tiêu giáo dục và tuyệt đối không được thu tiền.
Những học sinh thuộc các trường hợp nêu trên nếu muốn tham gia lớp học thêm trong nhà trường phải viết đơn đăng ký học thêm theo từng môn học ở từng khối lớp.
Nhà trường cần căn cứ vào số học sinh đăng kí học thêm để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm đối với từng môn học ở từng khối lớp. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm phải được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường hoặc niêm yết tại nhà trường.
Mỗi lớp không quá 45 học sinh
Điều 5, Thông tư 29/2024 quy định việc xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu và tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm yêu cầu sau:
Lớp dạy thêm được xếp theo môn học với từng khối lớp; mỗi lớp không quá 45 học sinh theo quy định của Điều lệ trường phổ thông;
Trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết (để bảo đảm không vượt quá số tiết trung bình của các môn học theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông);
Không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa (để hạn chế tiêu cực bắt ép học sinh học thêm);
Không dạy trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường.Theo báo Tiền Phong ngày 24/01/2025 có bài viết: “Hàng nghìn giáo viên Hà Nội sẽ được thưởng tết theo Nghị định 73”. Nội dung như sau:
Trước đó, 509 cán bộ, giáo viên ở Hà Nội viết tâm thư gửi lãnh đạo thành phố về việc có nguy cơ mất thưởng Tết. Nguyên nhân là do, các trường công lập trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội nhưng đã tự chủ hoàn toàn không tiếp cận được nguồn thu nhập tăng thêm theo Nghị định 73.
Theo các giáo viên, điều đó khiến họ rất buồn và hụt hẫng. Tết đến xuân về, đâu đâu cũng náo nức không khí, riêng các thầy cô không được thưởng rất tâm tư.Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trước khó khăn đó, Sở GD&ĐT đã có văn bản báo cáo, tìm phương án xử lý cho các nhà trường thuộc diện tự chủ. Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở Tài Chính phối hợp triển khai để báo cáo, xin chủ trương của UBND thành phố, HĐND thành phố để nhằm hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho thầy cô giáo.
Thành phố Hà Nội đã chấp thuận chủ trương theo đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Tài Chính. Theo đó, các thầy cô giáo ở tất cả các nhà trường tự chủ vẫn sẽ được hưởng quyền lợi theo Nghị định 73.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tặng quà, động viên thầy cô giáo các trường mầm non, trường chuyên biệt trước thềm Tết Nguyên đán.
Nghị định 73 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ thưởng với cán bộ, công chức, viên chức và quân nhân ban hành hồi cuối tháng 6/2024. Trong đó, quy định chế độ tiền thưởng tính theo thành tích đột xuất và kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.
Quỹ tiền thưởng hằng năm được xác định bằng 10% tổng quỹ lương (không tính phụ cấp). Số tiền thưởng này phải chi trước ngày 31/1 của năm sau, nếu không chi hết đơn vị không được chuyển nguồn vào quỹ tiền thưởng của năm sau. Đây là năm đầu tiên, áp dụng chính sách này nên giáo viên các nhà trường rất phấn khởi, kỳ vọng.
Theo quyết định của Sở GD&ĐT Hà Nội, có 128 đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2024-2025.