Nhập làn là thao tác không hiếm gặp trên đường, nhưng cũng là tình huống dễ gây tranh cãi khi xác định ai là người có lỗi. Mỗi quốc gia có quan điểm cụ thể về vấn đề này, nhưng nhìn chung, xe chuyển làn thường gánh lỗi cao nhất.
Nhập làn là thao tác không hiếm gặp trên đường, nhưng cũng là tình huống dễ gây tranh cãi khi xác định ai là người có lỗi. Mỗi quốc gia có quan điểm cụ thể về vấn đề này, nhưng nhìn chung, xe chuyển làn thường gánh lỗi cao nhất.
Trong hầu hết trường hợp tai nạn có liên quan, xe nhập làn là bên có lỗi. Bởi xe đi thẳng là xe được ưu tiên hơn, còn xe chuyển làn phải đánh giá đúng tính hình để thực hiện thao tác đổi làn một cách an toàn, chẳng hạn đánh giá đúng khoảng cách an toàn, đi với tốc độ phù hợp, ra tín hiệu sớm để thông báo cho các tài xế khác…
Một tình huống nhập làn lý tưởng, nơi các xe giữ khoảng cách và tốc độ đủ để nhập làn nhanh chóng. Ảnh: Parkside Motors
Tuy nhiên, không loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của xe đang di chuyển trên làn được nhập. Nếu họ có hành vi vi phạm nào đó, chẳng hạn chạy quá tốc độ, thì cũng sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Đôi khi, họ có thể phải chịu toàn bộ trách nhiệm. Chẳng hạn, có nhiều tài xế cảm thấy khó chịu vì bị “chặn đường” nên tìm cách tăng tốc ngáng đường xe chuyển làn (có thao tác đúng).
Quốc gia nào cũng quy định rất rõ trách nhiệm xe chuyển làn, Úc cũng vậy. Theo đó, xe chuyển làn có trách nhiệm đảm bảo có đủ khoảng trống để đi vào làn đường khác một cách an toàn và nhường đường cho xe đang di chuyển trên làn đường mình đang đi vào.
Nhưng luật Úc cũng chỉ ra rằng tài xế luôn phải giữ khoảng cách an toàn. Do đó, nếu tài xế nào cũng tuân thủ đúng quy tắc này, thông thường các xe nhập làn tương đối dễ dàng. Những xe đi làn thẳng được khuyến cáo nên cho phép xe nhập vào, thay vì cố gắng thu hẹp khoảng cách với xe trước. Vì vậy, tùy vào tình huống cụ thể sẽ có đánh giá trách nhiệm liên đới giữa các bên liên quan.
Hầu hết các nước thống nhất về trách nhiệm của xe chuyển làn, song “nghĩa vụ” của xe làn bên cũng được xem xét tùy vào tình huống. Ảnh: News
So với Úc hay Mỹ, Đức xem xét khá kỹ trách nhiệm của xe đi thẳng. Các chuyên gia an toàn nước này nhấn mạnh khi xảy ra va chạm, lỗi không chỉ thuộc về những người phải chuyển làn. Bất cứ ai lái xe cạnh làn đường sắp kết thúc cần cho phép những người làn bên nhập vào và đảm bảo việc này được thực hiện một cách an toàn.
Theo ADAC, câu lạc bộ ô tô lớn nhất châu Âu, cũng chỉ ra ra rằng nhiều trường hợp tòa án đã phán quyết người lái xe làn được nhập phải gánh một nửa trách nhiệm pháp lý.
Các tài xế chuyển làn mắc lỗi nhập làn quá chậm (không đảm bảo tốc độ), không có tín hiệu, đánh giá sai khoảng trống để nhập làn, chuyển nhiều làn một lúc… cũng thường dễ gây ra va chạm giao thông. Do đó, trách nhiệm của những người này khá rõ ràng.
Dù đi làn nào, các xe đều có trách nhiệm đảm bảo an toàn giao thông cho cả bản thân và những người xung quanh. Ảnh: Le Soleil
Trong khi đó, luật không quy định những người lái xe ở làn liền kề phải có nghĩa vụ nhường đường cho xe chuẩn bị nhập làn, nhưng vẫn ràng buộc họ có nghĩa vụ lái xe an toàn. Điều này chỉ ra, khi có va chạm, họ có thể chịu trách nhiệm về lỗi tốc độ, không giữ khoảng cách đủ an toàn, không tỉnh táo quan sát, sử dụng chất kích thích làm suy giảm khả năng lái xe…
Một trường hợp cũng dễ xảy ra là nhiều tài xế kiên quyết không nhường đường dù xe nhập đã/đã vào đà “chớm” làn. Khi đó, họ có thể bị xem xét phải chịu trách nhiệm toàn bộ vì đã tạo ra tình huống nguy hiểm.
Theo Luật giao thông đường bộ 2008, trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều và được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn ở những khu vực cho phép.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông ở cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Nguyên nhân ban đầu được cho là do xe ô tô con vượt bên phải rồi lại tạt sang trái, va vào đầu xe container dẫn đến tai nạn. Ảnh: CAND
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước hoặc không đúng nơi cho phép.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe ô tô chạy ở phần lề đường của đường cao tốc hoặc làn dừng xe khẩn cấp; chuyển làn đường không đúng khu vực cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước trong quá trình chạy trên đường cao tốc. Bên cạnh việc xử phạt tiền, người điều khiển phương tiện giao thông còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong khoảng 01 tháng đến 03 tháng.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện giao thông chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông. Bên cạnh đó còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong khoảng 02 tháng đến 04 tháng.
Tuy nhiên, trách nhiệm thuộc về ai hay đôi bên cùng có lỗi sẽ còn phải xem xét trường hợp cụ thể. Chẳng hạn, xe đi thẳng có những biểu hiện vi phạm luật giao thông như chạy quá tốc độ, dùng chất kích thích, uống rượu bia…