Trên trang “Nàng 9- sáp dừa Trà Vinh” giá một trái sáp dừa Cầu Kè chỉ 109k. Nhưng trên một status, có chỉ 17 comment, và 1 người mua… 2 trái. Đó là trang bán hàng online của Đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam: Huỳnh Như.
Huỳnh Như bán dừa sáp mưu sinh. Kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt luôn là lương thiện và đáng tự hào, nhưng một tiền đạo đội trưởng bán hàng online cứ sai sai thế nào. Ảnh: FBNV
Đời sống, sinh kế của nữ cầu thủ từng gây xúc động dư luận khi năm 2014, bức hình “nữ cầu thủ bán rau” được đưa lên mạng.
Vẫn là “quần đùi áo số”. Nhưng thay vì dũng mãnh trên sân, là cái dáng ngồi gập gối, trước những rau, những tỏi, những cà chua, những dưa chuột… bên một lề đường nào đó. Bán rau là cách mưu sinh của Nguyễn Thị Liễu, tiền vệ của CLB Phong Phú Hà Nam và Đội tuyển nữ Việt Nam.
Liễu, trở về với cuộc sống đời thường ngay khi ghi bàn trong trận gặp Bahrain tại vòng loại Asian Cup.
Bán rau vỉa hè như Liễu, bánh mì lề đường như Kim Hồng, hay việc Huỳnh Như bán dừa online, thật đáng trân trọng. Kiếm tiền bằng mồ hôi nước mắt của chính mình luôn là lương thiện và đáng tự hào.
Nhưng từ chuyện Nguyễn Thị Liễu bán rau năm xưa đến Huỳnh Như bán dừa hôm nay có một khoảng cách là không hề có khoảng cách: Các nữ cầu thủ bao năm qua vẫn phải cật lực tay trái nuôi tay phải. Với tất cả những gì họ có.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua đã gọi những cô gái của chúng ta là “những cô gái kim cương”.
Kim cương, ở nghĩa còn quý hơn vàng.
Kim cương, ở việc họ đã phải mài dũa bao năm qua để có được kỳ tích lịch sử hôm nay.
Và kim cương, cả ở sự lấp lánh giữa cuộc mưu sinh chưa bao giờ dễ dàng với nữ cầu thủ.
5 triệu đồng tiền lương! Và thấp hơn. Luôn phải có một nghề tay trái để có thể đeo đuổi đam mê. Và ngay sau những chiến công, những tung hô – nếu giành thắng lợi – lại lầm lũi quay lại với đời thường, với cuộc mưu sinh.
Thủ tướng hôm qua đã ra một đề bài: Làm sao sau khi lá cờ tổ quốc được kéo lên tôn vinh các vận động viên… thì cuộc sống của họ được đảm bảo, nhất là sau khi giải nghệ.
Và ông “giao Bộ Tài chính” nghiên cứu lập Quỹ bóng đá nữ, tạo nguồn lực phát triển bóng đá nữ Việt Nam.
“Đề bài” của Thủ tướng cùng với kỳ tích của các cô gái hôm nay rất đáng để coi là một cơ hội để thay đổi chế độ chính sách đãi ngộ với những vận động viên thể thao nữ nói chung
Hôm qua, 2 trường Đại học Hoa Sen và Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã công bố chính sách ưu tiên tuyển thẳng đối với các thành viên của các thành viên đội tuyển nữ.
Học hành để có một công việc tay phải hậu đỉnh cao; cơ chế tài chính từ nhà nước… dường như mới là hướng đi đúng để chấm dứt những câu chuyện trở về nhà bán rau sau khi lập kỳ tích.
Trong số những cô gái đá bóng, hiếm trường hợp nào rơi vào hoàn cảnh bi đát đến cùng cực như nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Liễu, người san bằng cách biệt 1-1 trước tuyển nữ Thái Lan.
Trong trận tứ kết môn bóng đá nữ ở Asian Games 2014, Nguyễn Thị Liễu đã tung ra cú sút xa trái phá để giúp đội nữ Việt Nam có bàn gỡ hòa 1-1 chỉ 3 phút sau bàn thua do lỗi của hàng thủ. Chính HLV trưởng Thái Lan cũng thừa nhận bàn thắng này làm thay đổi cục diện và khiến các cầu thủ Thái Lan mất tập trung trong phần còn lại trước khi thất bại. Người ghi dấu ấn trong bàn thắng này cũng là con người đặc biệt mạnh mẽ trong cuộc sống và không biết sợ giống như cách chơi bóng trên sân cỏ.
Clip Nguyễn Thị Liễu và Tuyết Dung đóng vai người hùng mới đây.
Ở CLB Phong Phú Hà Nam cũng như tại đội tuyển quốc gia, chuyện đời và chuyện nghề của nữ tuyển thủ gốc Lý Nhân thỉnh thoảng vẫn được kể lại cùng những giọt nước mắt xúc động.
Cha mất sớm, ký ức về tuổi thơ của tiền vệ Nguyễn Thị Liễu là những tháng ngày mưu sinh cơ cực để phụ giúp mẹ già ốm đau. Những vết hằn của cuộc sống khó khăn cùng sự thiếu thốn tình cảm khiến Liễu từ nhỏ đã trở nên lầm lì, khắc hẳn so với chúng bạn.
Không thích chơi với đám con gái, cô bé chỉ trực để quần thảo cùng trái bóng với đám con trai trong làng. Nhiều phen bị mẹ phạt đánh đòn nhưng rồi Liễu lại lén lút chạy theo niềm đam mê cũng là cách để giải tỏa ưu phiền trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Liễu là một tấm gương về nghị lực sống (Ảnh: Hà Thành)
Năm 2004, khi Nguyễn Thị Liễu 12 tuổi, cô trúng tuyển vào lớp năng khiếu của CLB Phong Phú Hà Nam. Cựu HLV Phạm Hải Anh hồi tưởng lại: “Lúc đó, tuy đã quyết định chọn Liễu nhưng trong lòng tôi thấy rất lo bởi tính cách mạnh của cháu. Có những lúc phát mệt vì Liễu luôn sẵn sàng phản kháng. Nhưng rồi tôi nghĩ hoàn cảnh của cháu éo le nên mới sinh ra như vậy, người làm thầy phải có biện pháp uốn nắn từ từ”.
Trong quãng thời gian ăn tập tại đội, có lúc Nguyễn Thị Liễu cũng phải nhận những hình thức kỷ luật xuất phát từ cá tính của cô. Nhưng rồi sau những án phạt là lúc người thầy lại phải làm công tác động viên tư tưởng để Liễu không bỏ cuộc.
HLV Phạm Hải Anh chia sẻ: “Đã là cầu thủ ai cũng có cái tôi của họ. Vấn đề là phải tìm cách để lái cái tôi đi đúng hướng. Liễu cá tính nhưng một khi đã xác định tập thì không ai tập được hơn cháu”.
Có quãng thời gian ròng rã kéo dài 6 tháng, Nguyễn Thị Liễu tự giam mình trong phòng, chỉ ăn và tập. Cô thậm chí không ra ngoài giao lưu với bạn bè, nếu cần mua sắm vật dụng cá nhân thì nhờ bạn. Ý chí khổ luyện của nữ tuyển thủ Việt Nam khiến nhiều đồng đội của cô phải kinh ngạc.
Để đến khi hiểu thêm về cuộc sống của gia đình Liễu, họ lại càng thấy thương cô nhiều hơn. Cha mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ Liễu lại không may bị bệnh ung thư. Thu nhập của cô gái trẻ ở CLB hầu như trông vào mức lương 1.500.000 đồng/tháng, chỉ đến khi lên tập trung đội tuyển, Nguyễn Thị Liễu mới được hưởng thêm mức phụ cấp 300.000 đồng/ngày.
Chị em Liễu đã cố gắng xoay sở đủ cách để chữa bệnh cho mẹ nhưng họ biết ngày đen tối ấy sẽ đến và bất lực vì không thể thay đổi nó. Thế nên bao nhiêu tâm tư chất chứa, bao nhiêu tủi hờn Liễu dồn hết vào trái bóng tròn.
Nguyễn Thị Liễu vui vẻ bên hàng rau của chị
Cuối năm 2013, dạo đội tuyển nữ Việt Nam tập huấn chuẩn bị cho Vòng chung kết Asian Cup 2014 và phấn đấu giành tấm vé thứ 5 khu vực châu Á tham dự World Cup cũng là thời điểm Nguyễn Thị Liễu nhận tin sét đánh mẹ qua đời.
Ngày hôm sau, toàn đội về quê Liễu thăm viếng lại càng thấy nao lòng trước gia cảnh của cô. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ nằm ở nơi heo hút phải đi bộ gần 2 km mới vào tới, chiếc quan tài của mẹ lặng lẽ bên cạnh vỏn vẹn 3 vòng hoa khiến ai cũng rớt nước mắt vì không thể hình dung nổi cuộc sống của một nữ tuyển thủ lại cơ cực đến vậy. Thương Liễu nên ai cũng nhất mực khước từ lời mời ở lại ăn cơm của gia chủ.
Thế rồi gạt sang một bên những hàng lệ tuôn trào, nữ tuyển thủ có ý chí thép lại lao vào tập luyện để quên đi những đắng cay trong cuộc sống. Đấy cũng là lần duy nhất cô chịu mở lời tâm sự về đời tư của mình: “Em biết mẹ mắc bệnh nặng không thể cứu chữa được từ lâu. Nhưng rồi chị em tự động viên nhau phải dứng dậy để ở nơi chín suối mẹ sẽ vui khi thấy con cái trưởng thành”.
Những ngày tháng nuốt vào bên trong bao nỗi thương đau đã biến cô gái bé nhỏ ở khu trung tuyến của đội tuyển nữ Việt Nam thành người có ý chí sắt đá và không ngần ngại trước bất cứ đối thủ nào.
Trận ra quân của đội tuyển nữ Việt Nam tại Vòng chung kết Asian Cup, Nguyễn Thị Liễu là người đã ghi bàn thắng đầu tiên cho thầy trò HLV Trần Vân Phát
trong cuộc đối đầu với Bahrain. Nhưng ước mơ giành tấm vé thứ 5 tham dự World Cup bóng đá nữ như món quà tặng mẹ nơi chín suối của cô cuối cùng đã không thành, sau khi tuyển nữ Việt Nam để thua Thái Lan 1-2 trong trận play-off.
Song ý chí của Nguyễn Thị Liễu vẫn giúp cô có cơ hội làm lại điều đó, bằng pha lập công gỡ hòa 1-1 và cùng với đồng đội vượt qua chính Thái Lan để lần đầu tiên góp mặt ở một trận bán kết tại đấu trường Asian Games.