Nhiều ý kiến cho rằng, nếu nâng tốc độ cho phép lên trên 90km/h sẽ giúp tiết kiệm thời gian và nhiên liệu đáng kể so với 80km/h như ở một số tuyến cao tốc hiện nay. Vậy điều này có đúng?
Hiện, một số tuyến cao tốc mới được đưa vào sử dụng nhưng chỉ cho xe ô tô chạy với tốc độ tối đa 80km/h.
Nhiều tuyến cao tốc chỉ đang cho phép di chuyển với tốc độ tối đa 80km/h. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Đã có rất nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ trên, ô tô sẽ hoạt động kém hiệu quả, gây tốn thời gian, tốn nhiên liệu và đặc biệt là gây ức chế cho cánh tài xế, đồng thời đề nghị tăng tốc độ cho phép lên tối thiểu là 90km/h.
Vậy, nếu được tăng tốc độ lên từ 80 lên 90km/h, ô tô có tiết kiệm được nhiên liệu hơn như nhiều người vẫn nghĩ?
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc – Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, bản chất của mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ phụ thuộc nhiều vào số vòng quay của động cơ (vòng tua máy). Mỗi một mẫu xe có một đặc tính kỹ thuật khác nhau (loại động cơ, dung tích xy-lanh, công suất,…), do đó sẽ có những vùng làm việc hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu khác nhau.
“Hầu hết các động cơ xăng làm việc tối ưu và tiết kiệm nhất trong khoảng 1.200-1.600 vòng/phút, trong khi động cơ dầu thì có khoảng rộng và kém ổn định hơn nhưng đa số đều dưới 2.000 vòng/phút. Tốc độ quay này kết hợp với loại hộp số gắn trên từng xe sẽ cho ra dải vận tốc tiết kiệm nhiên liệu khác nhau”, ông Phúc phân tích.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: bản chất của mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ phụ thuộc nhiều vào số vòng quay của động cơ. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Để tiết kiệm nhiên liệu, PGS.TS Đàm Hoàng Phúc khuyên các lái xe luôn duy trì vòng tua máy ở mức tối ưu, tức là luôn phải dưới 2.000 vòng/phút; ngoài ra, cần giữ ổn định tốc độ, tránh “đạp nhanh, phanh gấp” khi lái xe và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng ô tô của mình đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Thực tế, với cùng vòng tua máy và điều kiện vận hành nhưng mỗi chiếc xe lại cho ra những tốc độ rất khác nhau. Đơn cử như với tốc độ 90km/h và cùng hoạt động ở cấp số cao nhất, có xe đạt tốc độ trên ở ngay vòng tua khoảng 1.600 vòng/phút; nhưng có những dòng xe có thể cho vòng tua lên tới 2.500-3.000 vòng/phút.
Các chuyên gia khẳng định, với hầu hết các xe ô tô con hiện nay khi di chuyển với tốc độ 90km/h sẽ không tiết kiệm nhiên liệu hơn so với tốc độ 80km/h. Ngoài ra, khi di chuyển với tốc độ càng cao thì xe càng bị cản gió nhiều hơn, bởi theo nghiên cứu, khi tốc độ xe tăng lên gấp đôi thì lực cản không khí sẽ tăng lên gấp bốn lần.
Nhiều tài xế cho rằng, tốc độ xe duy trì ở mức 60-80km/h là tiết kiệm nhiên liệu nhất (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Nhiều tài xế có kinh nghiệm cũng cho rằng, bản thân xe ô tô đi với tốc độ cao trên 90km/h không tiết kiệm nhiên liệu như mọi người vẫn nghĩ, nhưng việc nâng tốc độ trên các cao tốc ít nhất bằng với các tuyến quốc lộ là điều cần thiết.
Kỹ sư ô tô Dương Trung Kiên – Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội chia sẻ, qua ghi nhận trên nhiều dòng xe khác nhau, từ xe sedan cỡ nhỏ đến các dòng SUV, bán tải,… thì tốc độ “tối ưu” nhất đối với xe con là trong khoảng 60-80km/h, xe tải là 50-70km/h. Xe đi quá chậm hoặc quá nhanh sẽ đều dẫn tới tiêu tốn nhiên liệu.
Tuy vậy, anh Kiên cho rằng, khi đi trên cao tốc với chân ga đều, kết hợp với sử dụng Cruise Control thì dù đi với tốc độ 100km/h cũng không tốn nhiên liệu hơn là bao. Bù lại, khi xe di chuyển với tốc độ cao hơn ở những đoạn đường đẹp sẽ giúp tiết kiệm thời gian di chuyển cũng như đỡ bị vi phạm về tốc độ. Với doanh nghiệp vận tải như của anh Kiên, thời gian cũng là tiền.
“Đi cao tốc mà mọi người chỉ chạy 60-70km/h thì còn gọi gì là cao tốc nữa. Xe ô tô bây giờ được thiết kế có thể đi với tốc độ rất cao mà vẫn đảm bảo an toàn. Do vậy, tôi đồng tình với việc nghiên cứu cho phép các tuyến cao tốc nâng tốc độ lên, ít nhất phải đạt 90-100km/h”, anh Kiên nêu ý kiến.