Bảng giá vàng của các thương hiệu kinh doanh trong nước liên tục “nhảy múa”. Giá vàng 5 lần lập kỷ lục trong một ngày, tiến gần mốc 116 triệu đồng/lượng.
Giá vàng lập đỉnh
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết ở mức kỷ lục 113-115,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Chênh lệch giữa giá mua và bán ở mức 2,5 triệu đồng/lượng. Phiên hôm qua, vàng miếng đã tăng 7,5 triệu đồng/lượng với 5 lần lập đỉnh về giá. So với đầu năm, mỗi lượng vàng tăng gần 24 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn cũng tăng mạnh, kết thúc phiên 16/4 ở mức 113-115,5 triệu đồng/lượng (mua – bán). Mặt hàng này cũng được điều chỉnh tăng tới 8 triệu đồng/lượng trong một phiên.
Giá vàng trong nước tăng mạnh, tuy nhiên theo các chuyên gia, giá chỉ tăng danh nghĩa chứ không có thanh khoản. Ghi nhận của phóng viên Dân trí cho thấy hầu hết doanh nghiệp đều hết vàng miếng SJC hoặc chỉ bán lẻ nếu có khách vãng lai đến chốt lời. Với vàng nhẫn, số lượng cũng giới hạn, khách hàng chỉ được mua tối đa 1 chỉ vàng/ngày.
Vàng miếng lập kỷ lục 5 lần/ngày (Ảnh: Thành Đông).
Giá vàng trong nước tăng nhanh trong bối cảnh giá thế giới liên tục lập đỉnh. Cụ thể, trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay giao dịch tại 3.329 USD/ounce, lập kỷ lục. Quy đổi theo tỷ giá chưa tính thuế, phí, kim loại thế giới tương đương 103,3 triệu đồng/lượng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng gần 28%, đánh bại mọi loại tài sản đầu tư phổ biến trong cùng giai đoạn.
Đằng sau diễn biến “tàu lượn” của giá vàng là hàng loạt yếu tố từ cả bên trong thị trường lẫn bên ngoài, bao gồm chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khả năng cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), dòng vốn đổ mạnh vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng tại Trung Quốc cùng với xu hướng giảm giá của đồng USD.
Ông Brett Elliott, Giám đốc nội dung của nền tảng giao dịch kim loại quý APMEX, nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến phản ứng toàn thị trường trước các mức thuế cao hơn dự kiến. Nhà đầu tư tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn an toàn”.
Ngoài ra, theo Goldman Sachs, xác suất xảy ra suy thoái tại Mỹ hiện vào khoảng 45%. Những rủi ro tiềm ẩn khiến nhà đầu tư e ngại với các tài sản rủi ro như cổ phiếu, thay vào đó gia tăng tỷ trọng vàng trong danh mục.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng tỷ giá USD
Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.899 đồng, tăng thêm 8 đồng so với mức niêm yết trước. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của tỷ giá trung tâm với tổng mức tăng là 13 đồng, sau nhịp giảm sâu 78 đồng trước đó.
Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 23.654 đồng đến 26.144 đồng.
Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD đồng loạt giảm ở tất cả các ngân hàng và đang được niêm yết quanh mức 26.000 đồng. Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.610-26.000 đồng (mua – bán), giảm 40 đồng ở cả 2 chiều giao dịch. Ngân hàng cổ phần niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.600-26.010 đồng (mua – bán), giảm 20 đồng mỗi chiều.
Trên thị trường “chợ đen”, đồng USD được giao dịch ở mức 26.130-26.230 đồng (mua – bán), giá mua tăng 60 đồng và giá bán tăng 80 đồng.