VTV.vn – Câu chuyện lê Trung Quốc được các tiểu thương, chủ cửa hàng kinh doanh gắn mác lê Hàn Quốc để bán không phải là câu chuyện mới nhưng đến nay vẫn tái diễn.
Xử lý tình trạng giả mạo nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc
Tại một gian hàng bán trái cây ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội, phóng viên trong vai khách hàng, dưới camera giấu kín, xuất xứ của những thùng lê nhập khẩu đang bày bán đã được tất cả những người có mặt khẳng định chắc nịch.
– Lê này là lê gì? lê Hàn. Không phải lê Trung Quốc à? Không. Lê Hàn Quốc. Vậy lê Trung Quốc khác ở điểm nào? Không biết. Chỉ biết đây gọi là lê Hàn thôi. Mua cả thùng cũng được mà mua theo cân cũng được.
– Em cứ đặt tiền có hết. Nghìn thùng trên tổng kho có hết. Gọi hôm nay mai có ngay.
Thế nhưng, thời điểm phóng viên cùng có mặt với lực lượng quản lý thị trường và Ban Quản lý chợ Long Biên thì chuyện bất ngờ lại xảy ra khi tiểu thương thông báo không bán lê nữa. Thùng trái cây đã được cất vào phía trong gian hàng nhưng sau đó vẫn bị phát hiện.
– Lê này nguồn gốc ở đâu? Của Tàu còn gì nữa… Sao hôm trước bác nói là của Hàn Quốc. Bác chả nói bao giờ cả…
Rất nhiều lý lẽ vô lý được đưa ra để né tránh không bị xử phạt. Ở một gian hàng khác, người bán cũng hoàn toàn trung thực khi nói về nguồn gốc xuất xứ của những trái lê nhập khẩu đang bán. Nhưng đó là lúc có đoàn kiểm tra.
Đã có những cách lý giải như hack não người mua khi lê Hàn Quốc chỉ là tên gọi loại trái cây chứ không phải là thông tin chỉ dẫn vùng trồng.
Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ đầu mối Long Biên – hiện tượng người bán mạo danh lê Trung Quốc thành Lê Hàn Quốc chỉ xảy ra ở một số gian hàng.
Hiện tại, việc thiết kế tem nhãn trên mỗi trái lê Trung Quốc đã có nhiều thay đổi. Không sơ sài như trước đây mà tem nhãn gần giống với lê Hàn Quốc. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ người tiêu dùng vẫn có thể phân biệt. Vì tại xứ sở kim chi trước khi xuất khẩu, việc dán tem trên mỗi quả lê được coi là một trong những công đoạn quan trọng nhất.
Đây là loại tem chống hàng giả được sản xuất bởi Tập đoàn sản xuất tiền Hàn Quốc, với công nghệ không thể làm giả. Khi quét mã sẽ dẫn đến trang web giới thiệu sản phẩm. Còn nếu không phải là lê Hàn Quốc thì khi quét mã sẽ không thể link đến trang web có logo Kpear được.
Hệ lụy từ hành vi kinh doanh giả mạo nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc
Sau khi rời cảng Hải Phòng, một lô hàng nhập khẩu lê Hàn Quốc được đưa thẳng về kho lạnh để bảo quản tại Khu Công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Việc duy trì nhiệt độ bảo quản theo tiêu chuẩn được coi là điều quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng trái lê.
Vì thế chỉ tính riêng tiền thuê container và kho lạnh, mỗi tháng doanh nghiệp bỏ ra hàng trăm triệu đồng. Chi phí tốn kém thì doanh nghiệp có thể gồng gánh nhưng ảnh hưởng từ tình trạng giả mạo xuất xứ Lê Hàn Quốc trên thị trường – mới là điều không lường hết được.
Bà Lã Thanh Huyền – Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu thương mại An Minh: “Trong khoảng 2 – 3 năm trở lại đây thị trường lê Hàn Quốc đã bị ảnh hưởng rất là nhiều do các sản phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn mang thương hiệu lê Hàn Quốc. Bên cạnh đó lòng tin của người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng”.
“Khi về Việt Nam ấy các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng sức cạnh tranh về giá. Và điều quan trọng hơn là ảnh hưởng đến thương hiệu lê Hàn Quốc”, bà Phan Thị Hoài Thương – Giám đốc Win Mart Thăng Long cho hay.
So với lê Trung Quốc thì giá nhập khẩu lê Hàn Quốc có thể đắt hơn gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. Vì thế nếu mạo danh lê Hàn Quốc, sau khi thổi giá, chỉ cần bán lê Trung Quốc với giá thấp hơn lê Hàn đã có thể thu được lợi nhuận lớn mà vẫn hút khách.
Thực tế qua các vụ kiểm tra xử lý của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, không ít cửa hàng trái cây nhập khẩu đã từng sử dụng chiêu thức như vậy. Điều đó khiến việc tiêu thụ lê Hàn Quốc gặp khó vì không thể cạnh trạnh.
Ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Tôi cho rằng việc giới thiệu hàng hóa không đúng với nguồn gốc xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Hơn nữa đối với các hàng hóa không rõ nguồn gốc sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sức khỏe của người tiêu dùng. Đối với hành vi này khi phát hiện ra chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Cùng với tên gọi là lê nâu, nhưng khi về đến chợ đầu mối Long Biên, không khó để bắt gặp hình ảnh lê Trung Quốc được tiểu thương trưng cả thùng.
Tiểu thương chợ Long Biên cho biết: “Bây giờ để ra sao mà để lạnh. Tối không bán hết mới để vào tủ mát chứ”.
“Không có lạnh vẫn thế. Quả lê này vẫn rắn mà ngon. Rắn thế này còn thế nào nữa”. Tiểu thương chợ Long Biên nói thêm.
Vì không được bảo quản lạnh đúng cách, nên một số quả bày bán trên sạp hàng có dấu hiệu bị mềm, xuống sắc. Điều này khó tránh khỏi nhưng lại dấy lên những lo ngại vì nếu các gian thương gian dối nguồn gốc trái cây đang bán thì không chỉ thiệt hại về sức cạnh tranh nữa mà điều quan trọng hơn, có thể gây ra những hiểu lầm không đáng có, ảnh hưởng đến thương hiệu của loại trái cây này – vốn được kiểm soát, bảo quản khắt khe từ khi nhập khẩu đến lúc lên kệ hàng để bán cho khách.
Tình hình nhập khẩu lê Trung Quốc
Thời gian qua đã có nhiều cửa hàng kinh doanh gian dối về nguồn gốc xuất xứ lê Hàn Quốc bị cơ quan quản lý thị trường ở Hà Nội phát hiện xử lý. Nhưng vì lợi nhuận, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Theo thống kê của Cục Bảo vật thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngoài lê Hàn Quốc, những năm gần đây, cũng ghi nhận số lượng lê Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường nội địa liên tục gia tăng.
Cụ thể, năm 2022, có 72,7 nghìn tấn lê Trung Quốc nhập khẩu. Con số này trong năm 2023 đã tăng lên 77.000 tấn. Chỉ 9 tháng đầu năm nay, số lượng nhập khẩu đã lớn hơn cả năm ngoái, tương đương 78,8 nghìn tấn.
Trong quá trình thâm nhập thực tế, nhóm phóng viên đã phát hiện ra những mánh khóe cũng như những thủ đoạn gian dối để hô biến lê Trung Quốc thành lê Hàn Quốc, khiến loại trái cây này bỗng dưng mất tích bí ẩn khi nhập khẩu vào thị trường nội địa.
Cũng từ đây, đặt ra vấn đề về công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các loại trái cây nhập khẩu có số lượng lớn… để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với trái cây nhập khẩu
Trung bình mỗi tháng, Công ty TNHH Hoa quả Thuỷ Anh nhập khẩu khoảng 50 tấn lê Hàn Quốc. Dù loại trái cây này đã được giám sát nghiêm ngặt về chất lượng ngay từ quá trình chăm sóc tại vườn và bao gói ở nhà máy trước khi xuất khẩu, thế nhưng khi nhập về kho lạnh phía đơn vị nhập khẩu lại có cách riêng để đánh giá chất lượng.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu lê do doanh nghiệp tự gửi đến Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia cho thấy, mọi chỉ số đều đảm bảo an toàn, không phát hiện chất bảo quản và thuốc bảo vệ thực vật.
Theo quy định hiện nay, một lô hàng trái cây nhập khẩu, tại cửa khẩu bắt buộc phải được kiểm tra về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để tao điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp, đồng thời rút ngắn thời gian thông quan, hạn chế rủi ro trong quá trình vận chuyển nên hầu như toàn bộ các lô hàng trái cây nhập khẩu chỉ dừng lại ở việc kiểm tra hồ sơ, giấy phép đi kèm, không lấy mẫu kiểm nghiệm tại cửa khẩu.
Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, hàng năm đều có chương trình giám sát, hậu kiểm chất lượng trái cây nhập khẩu trên thị trường. Những năm qua, việc giám sát chỉ tập trung vào 4 loại trái cây như nho, táo, cam quýt và dâu tây. Vì quả lê không nằm trong chương trình giám sát nên đơn vị này cũng chưa lấy mẫu kiểm nghiệm ngẫu nhiên trên thị trường lần nào.
Ông Nguyễn Quý Dương – Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Theo số liệu của chúng tôi từ 2023 lê nhập khẩu tương đối nhiều. Với số lượng nhiều như thế, từ 2025 chúng tôi sẽ đưa lê vào chương trình giám sát”.
Hiện nay, ngoài lê Hàn Quốc, tại thị trường Việt Nam, mỗi năm, có hơn 70 nghìn tấn lê Trung Quốc được ồ ạt nhập khẩu vào thị trường nội địa. Việc tăng cường kiểm tra giám sát về an toàn thực phẩm đối với loại trái cây này là điều rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.