Dự báo giá vàng tuần sau: Có thể phá vỡ đỉnh lịch sử

Giá vàng ghi nhận tuần tăng mạnh nhất trong hơn năm qua và lấy lại phần lớn những gì đã mất sau cú lao dốc với kỳ vọng ông Donald Trump thắng cử sẽ chấm dứt các cuộc chiến. Liệu giới đầu tư có nghi ngờ ông Trump hay vàng ngày càng giá trị?

Một tuần tăng mạnh hiếm thấy

Thị trường kim loại quý thế giới ghi nhận một tuần tăng mạnh hiếm có, giá vàng tăng mạnh nhất trong hơn một năm qua, thêm hơn 5% và đóng cửa ở mức gần 2.717 USD/ounce (tương đương hơn 84,3 triệu đồng/lượng).
Nếu so với mức đáy của đợt lao dốc sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 47 của Mỹ, ở mức 2.540 USD/ounce (ghi nhận hôm 14/11), giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã tăng gần 7%. Quy đổi ra mỗi lượng vàng đã tăng thêm 5,5 triệu đồng.

Giá vàng hồi phục khi đồng USD chững lại - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Trong nước, vàng miếng SJC tăng thêm 3,5-5 triệu/lượng, từ mức 80 triệu đồng lên 85 triệu đồng (giá doanh nghiệp mua vào) và 83,5 triệu đồng lên 87 triệu đồng (giá bán). Giá vàng nhẫn tăng khoảng 4,4 đến 5,6 triệu đồng/lượng lên khoảng 85 triệu đồng (mua vào) và 86,5 triệu đồng/lượng (giá bán).

Như vậy, so với mức đỉnh 2.789 USD/ounce đạt được hôm 30/10 trước khi ông Trump trúng cử, giá vàng chỉ còn thấp hơn gần 2,6%, tức chỉ cần tăng bằng nửa tuần 18-22/11 là mặt hàng kim loại quý sẽ ghi nhận kỷ lục cao mới.
Trước đó, trong khoảng 2 tuần đầu tháng 11, thị trường vàng chứng kiến một đợt bán tháo hiếm có, áp lực bán chốt lời sau khi mặt hàng này đã tăng 35% kể từ đầu năm và đánh cược vào khả năng và thực tế ông Trump thắng cử, cũng như những cam kết của ông về việc giải quyết căng thẳng địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới.

Sự cộng hưởng của hoạt động bán khống góp phần đẩy giá vàng tụt sâu từ 2.789 USD/ounce có lúc xuống tới 2.540 USD/ounce, tương đương mức giảm 8,9%.
Tuy nhiên, vàng sớm tăng trở lại như đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế dự báo.

Chuyên gia dự báo giá vàng trong tuần này không ngoại trừ khả năng giảm sâu

Giá vàng trong nước và quốc tế tăng nhanh trở lại. Ảnh: HH
Tuyên bố của ông Trump bị hồ nghi, giá vàng sẽ ra sao?
Câu hỏi được đặt ra là tại sao giá vàng thế giới và trong nước lại quay đầu tăng nhanh như vậy? Giới đầu tư đảo chiều dồn dập mua vàng, trái ngược với hoạt động bán tháo chỉ khoảng 2-3 tuần trước. Trong nước, cũng có lúc người dân ồ ạt đi bán vàng vì sợ giá lao dốc tiếp, rồi sau đó lại chen nhau không mua được.

Thị trường liệu có phải không còn tin rằng ông Donald Trump có thể chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine trong vòng một ngày sau khi nhậm chức (vào 20/1) hoặc/và hạ nhiệt cuộc chiến tại Trung Đông…?

Trên thực tế, hầu hết dự báo của các chuyên gia đến từ các tổ chức hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, JP Morgan, WGC… đều cho rằng vàng vẫn đang trong xu hướng uptrend tăng giá dài hạn trong bối cảnh thế giới ngày càng bất định, cạnh tranh và xung đột gia tăng.
Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho rằng, toàn cầu sẽ đối mặt với một chu kỳ lạm phát mới, có thể không khốc liệt như sau đại dịch (với lạm phát lên trên 10% tại châu Âu và 9,1% tại Mỹ vào giữa năm 2022), nhưng cũng rất cao.

Giá vàng lao dốc từng ngày, khi nào dừng đà giảm?

Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác mới bắt đầu một chu kỳ hạ lãi suất, có thể kéo dài một vài năm. Không ít nước đẩy mạnh các gói kích thích, bơm tiền trực tiếp và gián tiếp để hỗ trợ nền kinh tế, gần đây như Trung Quốc, Nhật, Thái… Giá cả hàng hóa sẽ leo thang.
Một số tổ chức như Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong năm 2025.
Gần đây, niềm tin của giới đầu tư vào khả năng giải quyết căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực của ông Donald Trump dường như đang giảm xuống.

Tại Ukraine nói riêng và châu Âu nói chung đã căng thẳng hơn bao giờ hết sau khi chính quyền sắp mãn nhiệm ông Joe Biden vừa qua đã cho Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất tấn công vào lãnh thổ Nga. Ukraine ngay sau đó đã dùng tên lửa ATACMS của Mỹ và gần đây là Storm Shadow của Anh phóng vào một số khu vực của Nga.

Ở chiều ngược lại, Nga hôm 21/11 đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik (vốn được coi là không thể bị đánh chặn, với tốc độ 2,5-3km/giây, gấp 10 lần tốc độ âm thanh) để đáp trả việc Ukraine triển khai vũ khí tầm xa của Mỹ và Anh, đồng thời như một tín hiệu cảnh báo NATO “sẽ phải trả giá”.

Vàng SJC vượt 82 triệu đồng/lượng, phá vỡ mọi kỷ lục

Tại Trung Đông, tình hình vẫn nóng. Israel tiếp tục không kích tại Lebanon. Israel xác nhận gần đây đã tấn công một cơ sở hạt nhân của Iran cho dù thừa nhận con đường tiến tới việc sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran vẫn chưa bị chặn lại.
Giới đầu tư dường như nhận thấy khả năng ông Trump sẽ không dễ giải được bài toán khó ở một khu Trung Đông đầy phức tạp về văn hóa, chính trị, tôn giáo và cũng khó có thể nhanh chóng chấm dứt xung đột tại Ukraine, nhất là khi căng thẳng đang được đẩy lên cao vào thời điểm chuyển giao quyền lực ở Mỹ.

Dù vậy, các chuyên gia cũng chờ đợi ông Trump sẽ giải bài toán tại Trung Đông theo một cách hợp lý hơn. Còn tại Ukraine, giới đầu tư vẫn chờ xem ông chủ Nhà Trắng mới sẽ ứng xử như thế nào với ông Putin, Ukraine, với NATO và các nước châu Âu để có được hòa bình ở Ukraine sau hơn 1.000 ngày xung đột.

Giá vàng sẽ giảm nếu căng thẳng địa chính trị lắng dịu. Dưới thời ông Trump, nhiều dự báo cho rằng, đồng USD sẽ lên cao và qua đó cũng gây áp lực lên vàng. Lạm phát ở Mỹ cũng như thế giới cũng có thể được kiểm soát nếu chi phí năng lượng được kéo xuống, giá dầu khí giảm mạnh theo cam kết tăng nguồn cung của ông Trump.

Với những yếu tố trái chiều, vàng được cho là sẽ diễn biến khó lường, nhưng theo xu hướng tăng nhiều hơn là giảm. Nhưng mức tăng có thể không nhiều khi giá vàng đã tăng mạnh trong hơn một năm qua và dòng tiền có thể phân tán vào hoạt động sản xuất mạnh lên tại Mỹ, vào chứng khoán Mỹ và một phần đổ vào một số loại tài sản khác như tiền số, trong đó có Bitcoin – một thị trường được ông Trump và tỷ phú Elon Musk ủng hộ mạnh mẽ. Bitcoin đã tăng gấp hơn 2 lần từ đầu năm 2024 và lên sát ngưỡng 100.000 USD/BTC.