Bạn có biết đây là loại thịt rất phổ biến nhưng chứa nhiều dinh dưỡng và vô cùng tốt cho sức khỏe.
Những ngày đầu đông trời lạnh, thời tiết thay đổi thất thường sẽ dễ bị ho hắng và cảm mạo. Lúc này bạn cần chú ý tới việc giữ gìn sức khỏe. Thông qua ăn uống, bạn hoàn toàn có thể cải thiện đề kháng của mình. Các chuyên gia sức khỏe cho biết, nên ăn nhiều thịt vịt trong giai đoạn này.
Giá trị dinh dưỡng của thịt vịt
Thịt vịt rất giàu protein chất lượng cao, vitamin B, vitamin D, sắt, kẽm, selen và các chất dinh dưỡng khác. Nó cũng chứa ít cholesterol hơn, khiến nó trở thành một lựa chọn thịt tương đối lành mạnh.
Thịt vịt có hàm lượng chất béo tương đối cao, thường ở giữa lớp da và thịt. Tuy nhiên, chất béo trong thịt vịt là chất béo không bão hòa (khác với chất béo bão hòa trong động vật). Lượng chất béo này được đánh giá là lành mạnh, ít gây hại đến sức khỏe con người.
Bên cạnh đó, thông qua quá trình chế biến, lượng chất béo trong vịt sẽ giảm đi đáng kể tùy thuộc theo vịt được nấu chín kỹ hay không, hoặc khi dùng, bạn có bỏ lớp da bên ngoài ra không.
Trên thực tế, một số đoạn thịt như ức vịt có hàm lượng chất béo thấp (2gram, trong đó chỉ có 0.5gram là chất béo bão hòa) cho mỗi 85 gram thịt. Lượng chất béo này thấp hơn so với lượng chất béo có trong ức gà (3 gam chất béo tổng và có 1 gram chất béo bão hòa).
Chân vịt và đùi vịt có tổng lượng chất béo cao hơn (trung bình 5 gram chất béo / 85 gram thịt), tuy nhiên, chân vịt vẫn có ít chất béo hơn so với đùi gà không da
Như vậy, có thể thấy, thịt vịt là nguồn cung cấp chất béo lành mạnh và ít có khả năng gây béo phì đối với cơ thể con người. Đây cũng là loại thực phẩm được chọn nhiều trong các chế độ ăn kiêng – giảm mỡ.
Tác dụng của thịt vịt
Thịt vịt tốt cho họng và phế quản
Khác với các loại thịt khác, thịt vịt không có tính nóng, khô nên đặc biệt thích hợp để bồi bổ cơ thể vào mùa đông. Nó giúp thanh nhiệt và làm dịu các triệu chứng khô mùa đông và khó chịu ở cổ họng. Thịt vịt còn giúp bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật, giúp chúng ta khỏe mạnh trong mùa lạnh.
Tăng mức năng lượng
Thịt vịt chứa hàm lượng cao các axit amin thiết yếu giúp cơ thể sản xuất năng lượng cho các hoạt động hằng ngày.
Giảm nguy cơ bệnh tim
Trong khi dầu cá được coi là nguồn cung cấp axit béo omega-3 hàng đầu, thì thịt vịt cũng chứa nhóm axit này và có lợi cho tim mạch. Ăn vịt (và các dạng gia cầm khác) thay cho bít tết có khả năng dẫn đến những kết quả sức khỏe tích cực liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thêm vào đó, thịt vịt cung cấp lượng sắt ngang với thịt đỏ, nhiều hơn đáng kể so với lượng chất sắt bạn nhận được từ thịt gà.
Hỗ trợ sức khỏe tuyến giáp
Tiêu thụ đủ lượng selen cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của tuyến giáp. Một phần khoảng 250 gram thịt vịt Pekin cung cấp hơn 50% giá trị selen hàng ngày.
Bảo vệ xương
Một số nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ protein động vật, bao gồm cả ăn thịt vịt, có thể cải thiện mật độ và sức mạnh của xương.
Một số món ăn, bài thuốc từ thịt vịt
Thịt vịt chứa protit, lipit, Ca, P, Fe và các vitamin (B1, B2, A, D, E)… rất cao. Theo y học cổ truyền, thịt vịt có vị ngọt, tính hàn. Tác dụng của thịt vịt là bổ huyết, thanh nhiệt dưỡng âm, lợi thấp nhiệt, giải độc, hòa ngũ tạng… Trị suy nhược nóng trong, đại tiểu tiện kém, mồ hôi trộm, di tinh, miệng khô, khát, ít kinh nguyệt.
Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc từ thịt vịt của Bác sĩ Thanh Xuân được đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống:
Bài 1:Thịt vịt 250g, củ kiệu 200g, gừng 10g, hành 15g, dầu ăn, gia vị vừa đủ. Cách làm: Thịt vịt rửa sạch, để ráo nước, chặt miếng vuông khoảng 4cm. Củ kiệu lột vỏ, rửa sạch, để ráo nước. Gừng xắt miếng.
Cách làm: Cho dầu ăn và gừng vào xào thơm, bỏ thịt vịt, gia vị vào xào vài phút, đổ vào 2 lít nước, cho hành vào, đun sôi khoảng 30 phút, bỏ củ kiệu vào nấu chín, sau đó vớt bọt, vớt hành ra là dùng được. Món ăn này có công dụng thanh nhiệt khử phiền, khai vị, ra mồ hôi,… dùng thích hợp khi thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.
Bài 2: Vịt 1 con khoảng 1kg, bỏ lòng, làm sạch; vừng đen, ngó sen, đào nhân, tang thầm, hạt khiếm thực, táo đỏ, ý dĩ, mỗi vị 20g.
Cách làm: Cho các vị thuốc vào bụng vịt rồi khâu lại, cho vào bát to, thêm gia vị vừa đủ và một ít nước, hấp cách thủy cho chín, khi ăn tháo chỉ khâu. Món ăn này có tác dụng bổ thận kiện tỳ, thích hợp với người gầy yếu suy nhược, huyết áp thấp.
Bài 3: Vịt một con 1kg, trần bì 10g, hoàng kỳ 30g. Các gia vị gừng, hành, dầu hạt cải, nước tương, muối, mì chính.
Cách làm: Vịt làm sạch, bỏ lòng, bôi nước tương lên da, rán trong dầu hạt cải, xong rửa sạch dầu mỡ đặt lên đĩa cho vào nồi đất. Các vị thuốc: trần bì, hoàng kỳ cho vào túi vải nhỏ cho vào nồi. Cho lượng nước xâm xấp, hầm vịt chín, chắt lấy nước đổ lên vịt đã chặt miếng. Món ăn này rất bổ dưỡng, thích hợp với người tỳ vị hư nhược, chán ăn.