Như Ý không phải là “tiểu tam”
– Cơ duyên được tham gia trong phim ‘Chúng ta của 8 năm sau’ đến với chị như thế nào?
Tôi chơi khá thân với đạo diễn Chúng ta của 8 năm sau. Trong một lần gặp, tôi lười quá nên để mái tóc thẳng bổ ngôi giữa tới cuộc hẹn. Không ngờ, chính tạo hình khác lạ đó lại khiến đạo diễn thấy tôi hợp với nhân vật Như Ý. Nhưng tôi nghĩ, trong quá trình chọn nhân vật, đạo diễn cũng lựa chọn kỹ càng và thấy tôi có thể đem lại một nhân vật mà họ muốn nên mới chọn.
Thùy Anh vào vai Như Ý – cô gái độc lập, mạnh mẽ.
– Như Ý là một vai diễn như thế nào với Thùy Anh, cảm giác đó không phải vai phản diện mà là một cô gái độc lập, dám theo đuổi thứ mình thích?
Tôi rất vui vì mới chỉ vài phân đoạn mà đã thể hiện được những gì mình muốn tới người xem. Có rất nhiều người nói Như Ý là nhân vật phản diện vì cô ấy là nhân vật cản đường mối quan hệ giữa Lâm (Mạnh Trường) và Dương (Huyền Lizzie).
Nhiều người còn nói Như Ý là “tiểu tam” nhưng không phải như vậy. Như Ý khí chất, độc lập về mọi thứ, một cô gái mà ngoài đời tôi cũng muốn giống như thế.
– Ngoài đời, chị giống và khác Như Ý điểm nào?
Tôi không có điểm gì giống Như Ý nên cô ấy mới là hình mẫu lý tưởng của tôi. Từ cách ăn mặc đến tính cách, tôi và Như Ý đều rất khác. Như Ý sẵn sàng theo đuổi những thứ mình muốn, kể cả tán tỉnh đàn ông cô ấy có tình cảm. Tôi chưa bao giờ tán ai vì không đủ dũng khí và can đảm để làm điều đó. Tôi trông bề ngoài thế thôi nhưng là một cô gái ‘bánh bèo’ lắm.
– Trong phim Như Ý là người đến sau, chị đã khi nào là người đến sau giống cô ấy?
Tôi nghĩ tất cả chúng ta ai cũng là người đến sau của một người nào đó và cũng là một người đến trước của người đến sau nào đó. Khi mình đến sau phải chấp nhận những tình cảm của đối phương đã trải qua, phải lắng nghe và cùng thay đổi.
Để thể hiện nhân vật Như Ý, tôi đã phải đọc 5 cuốn sách về khí chất phụ nữ để lấy tư liệu. Khí chất của một phụ nữ không chỉ đến từ bề ngoài mà còn phải toát ra từ bên trong. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều và phân vân liệu mình sẽ thể hiện một Như Ý tổng tài hay là một cô gái vui vẻ dễ thương nhưng có khí chất.
Thời điểm trước khi quay, tôi gặp nhiều người chị vì thấy họ có nhiều điểm phù hợp với nhân vật. Tôi gặp chị Mai Chi (nhân vật LaLa trong Bộ tứ 10A8), chị ấy đã diễn một đoạn kịch bản nhỏ cho tôi xem, đó chính là một Như Ý mà tôi muốn thể hiện. Tôi cũng gặp chị Lã Thanh Huyền và cóp nhặt được một chút hình tượng Như Ý ở chị ấy mà tôi muốn. Từ những từ những tìm tòi, tôi đã tổng hợp lại để tái hiện một Như Ý như mình muốn.
Trước kia mỗi lần đọc bình luận chê bai, tôi rất suy sụp
– Khán giả có người khen nhưng cũng có người chê Thùy Anh diễn cứng, mặt lúc nào cũng vênh, chị đón nhận những ý kiến như vậy với tâm thế như thế nào?
Tôi không nghĩ đó là một lời chê, thậm chí tôi coi đó là lời khen vì khi khán giả nói vậy nghĩa là tôi đã thể hiện được nhân vật Như Ý đúng cách mình muốn.
Nếu cô gái này không tự tin, giỏi giang, tự hào về bản thân sẽ không có năng lượng khiến mọi người nghĩ rằng Như Ý đang “vênh”. Thực ra với tôi, cô ấy không “vênh” mà chỉ đang toát ra năng lượng tự tin mà thôi. Khi tôi 28 tuổi, những lời chê bai không còn ảnh hưởng như khi 26 tuổi trở về trước nữa.
Trước kia, mỗi lần đọc bình luận chê bai, tôi rất suy sụp. Diễn viên nào cũng sẽ có thời điểm bị cuốn vào những năng lượng tiêu cực, tự làm tổn thương mình. Nhưng hiện tại, tôi đã phân biệt được đâu là những bình luận để mình tiếp thu và đâu là những thứ mình nên bỏ ra khỏi đầu.
– Nhìn lại chặng đường hoạt động nghệ thuật, thời điểm chị thấy kinh khủng nhất là gì?
Thật ra số phim tôi tham gia không quá nhiều nhưng có lẽ những vai diễn của tôi khiến khán giả có ấn tượng, dù yêu dù ghét.
Thời điểm kinh khủng nhất có lẽ là lúc tôi đóng phim Cả một đời ân oán. Khi đó, tôi đọc bình luận của mọi người nói tôi “đóng được vai này thì ngoài đời cũng vô đạo đức như trong phim, mặt lưỡi cày, mắt trắng dã…”. Những nhận xét ấy khiến tôi sốc và nó nhiều tới nỗi tôi tin vào những gì mọi người nói. Thậm chí tôi còn đi hỏi bạn bè xung quanh xem bản thân có thật sự như vậy không. Thời điểm đó tôi thấy nản lắm.
Khi nhận một vai diễn dù là chính diện hay phản diện diễn viên luôn phải làm tốt nhất trước ống kính máy quay. Thế nhưng khi đó, nhân vật của tôi đáng ghét tới nỗi, tôi còn hoài nghi tự đặt câu hỏi mình có nên diễn hết mức sự đáng ghét của cô ấy hay không? Vì tôi quá sợ bị ghét và chửi. Nhưng khi đã trải qua mọi chuyện, tôi thấy khi nhận một vai diễn, mình phải có trách nhiệm và thể hiện một cách tốt nhất. Nếu làm khán giả ghét thì phải khiến họ ghét tới mức không thể quên.