Trong văn hóa thờ cúng của người Việt, chuối là trái cây thắp hương phổ biến nhưng nhiều gia đình lại xem đó là đại kỵ.
Ý nghĩa của việc thắp hương chuối?
Chuối là quả phẩm thắp hương nổi tiếng trong văn hóa người Việt, đặc biệt ở khu vực miền Bắc. Đối với miền Bắc chuối là trái cây không thể thiếu trong mâm ngũ quả, đặc biệt dịp Tết, dịp cúng lễ quan trọng trong gia đình như giỗ chạp, cưới hỏi cần có chuối dâng lên gia tiên. Chuối được xem là trái cây quan trọng nhất trên mâm bồng. Ngoài ra sẽ có thêm bưởi, cam, quýt, lê, táo, xoài, ớt, quất, phật thủ, dưa hấu, dừa… tùy theo gia đình. Nhưng điểm chung với người miền Bắc là cần có chuối trong dịp Tết.
Nải chuối thờ của người miền Bắc là chuối xanh và là chuối tiêu (chuối lùn), quả dài, nải to, cong, ôm trọn được những quả khác. Nải chuối được chọn cầu kỳ có râu, trái xanh, nhưng không non, vỏ không bị thâm, không bị xây xước chảy nhựa, số quả trên nải nên là số lẻ sẽ được ưu tiên hơn số chẵn.
Chuối trong mâm thờ của người Bắc mang ý nghĩa che chở bảo bọc ôm ấp, thể hiện sự may mắn tốt lành, gia đình sum họp được gia tiên phù hộ che chở, được may mắn làm ăn.
Thế nhưng nhiều gia đình, đặc biệt gia đình người miền Nam lại kiêng kỵ thờ chuối.
Tại sao nhiều gia đình kiêng chuối?
Hầu hết những gia đình kiêng chuối là vì kiêng cúng phẩm theo ngôn ngữ. Trong văn hóa thờ cúng thì những cúng phẩm thường phải mang ý nghĩa đẹp, tên hay. Giống như nhiều gia đình không thắp hương hoa ly vì sợ chia ly, ly tan, không thắp hương quả bơ vì sợ tổ tiên phớt lờ… thì nhiêu gia đình cũng không thắp hương chuối vì kiêng theo ngôn ngữ.
Xét ở góc độ ngôn ngữ, chuối là một từ gợi tới những điều không may mắn tốt lành. Tên chuối thể hiện sự không như ý, ý nghĩa không tốt đẹp, xui xẻo, mọi việc không hanh thông thuận lợi. Theo phương ngữ miền Nam chuối còn đọc thành chúi nghĩa là năm mới đi chúi đầu là không may mắn.
Bởi thế nhiều gia đình không chỉ miền Nam mà người vùng miền khác khi thắp hương chọn quả phẩm theo ngôn ngữ thì sẽ kiêng những trái cây có tên gợi ý nghĩa không đẹp như chuối, cam (cam chịu), lê (lê lết)…
Cũng vì thơ theo ngôn ngữ nên trong mâm ngũ quả của người miền Nam thường không có cả bưởi, cam, lê, mà sẽ là Cầu (mãng cầu) vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài) sung (quả sung), hoặc cầu (mãng cầu) vừa (vừa) đủ (đu đủ) xài (xoài) thơm (quả dứa quả thơm).
Và cũng vì thờ theo ngôn ngữ như trên nên trái bưởi cũng không phải là quả phẩm quan trọng trong mâm thắp hương.
Với người miền Bắc thắp hương thì chuối và bưởi là quan trọng nhất. Nải chuối to cong ôm quả bưởi ở giữa, sau đó có thể thêm phật thủ, lê, cam quýt, táo, đào… đủ màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Cũng vì thế nên trái bưởi thờ ở miền Bắc thường là bưởi có màu vàng nổi bật trên nải chuối xanh, và phối hợp màu với các quả khác. Quả bưởi xanh bưởi đỏ cũng được dùng nhưng không phổ biến bằng bưởi có vỏ màu vàng.
Còn người miền Nam cũng có gia đình đặt thêm bưởi lên ban thờ nhưng lại chọn bưởi da xanh, vỏ hồng để thể hiện sự hồng phát.
Cũng vì theo ngôn ngữ nên nhiều gia đình, đặc biệt gia đình người Huế cũng dùng chuối thắp hương nhưng lại kiêng chuối tiêu, chỉ dùng chuối tiến vua, chuối ngự chuối mật, chuối lá để thể hiện sự trang trọng trân quý may mắn. Trong khi Bắc thì chỉ chọn chuối tiêu, kiêng chuối tây chỉ vì chuối tây quả ngắn dáng không đẹp như chuối tiêu.
Ngày nay trong sự giao lưu văn hóa thì người các vùng miền sống xen kẽ nhau, giao thoa văn hóa nên đôi khi mâm ngũ quả trong một số gia đình không nguyên vẹn theo vùng miền nào, câu quá câu nệ.
Nhưng nếu bạn là người mới tới, hoặc nàng dâu mới về nhà chồng thì nên có những hiểu biết nhât định về văn hóa địa phương và quan niệm trong chính gia đình để có sự chuẩn bị mâm cúng phù hợp, tránh tạo tâm lý không may mắn, tránh sự không thấu hiểu trong gia đình mà khiến cho năm mới không vui, đó mới chính là điều xui xẻo nhất.
Do đó nếu gia đình bạn quan niệm theo ngôn ngữ thì nên chọn trái cây đồ cúng có tên hay. Còn nếu theo tập tục địa phương thì cứ theo địa phương thờ cúng, quan trọng nhất là những người trong gia đình cùng hiểu cùng nhất tâm trong nhận thức. Hoặc giả sử nếu bạn và những người thân khác không cùng ý nghĩ giống nhau thì nên đặt mình vào phía đối phương để hiểu lập trường của đối phương là gì, quan điểm đó từ đâu, để có thể thông cảm, từ đó hài hòa hơn, tránh việc vì món đồ cúng phẩm trên ban thờ gia tiên mà con cháu anh chị em tranh luận cãi nhau, mất hòa khí, thì đó chính là điềm xấu nhất về phong thủy.
*Thông tin mang tính tham khảo chiêm nghiệm