Sau khi biết tường tận mọi chuyện, cô giáo lại càng thương cậu học trò nhỏ của mình hơn.
Quá khắt khe không phải là một cách dạy con khoa học, thế nhưng hiện nay, có rất nhiều phụ huynh đã áp dụng phương pháp giáo dục này và kết quả là vô tình đẩy con mình đến những hướng phát triển sai lệch, tổn thương tâm lý trong cả chặng đường về sau. Vừa qua, câu chuyện một bé trai 4 tuổi liên tục nói xin lỗi trong giờ ngủ trưa ở lớp học đã nhận được sự chú ý của đông đảo các phụ huynh.
Sohu đưa tin, bé trai tên Đình Đình, năm nay 4 tuổi hiện sống tại Phúc Kiến. Khi cho Đình Đình đi học, mẹ của cậu bé đã dặn dò cô giáo rất kỹ lưỡng vì biết con mình có tính cách khá ương bướng và thích “bày trò” nghịch ngợm. Ở nhà, bố mẹ đã phải vô cùng nghiêm khắc thì cậu bé mới chịu nghe lời.
Khoảng thời gian đầu nhập học, mọi chuyện đều rất ổn thỏa. Thế nhưng bỗng một ngày nọ, cô giáo phát hiện một điều vô cùng bất thường. Trong giờ ngủ trưa, khi cả lớp đang say giấc nồng, cô giáo bỗng nhiên nghe thấy một tiếng động rất kỳ lạ.
Đi kiểm tra một vòng, nữ giáo viên mới phát hiện tiếng động này phát ra ở chỗ nằm của Đình Đình, cậu bé đang trùm chăn kín đầu nhưng âm thanh lạ thì vẫn phát ra đều đều. Cô giáo ngay lập tức đến nhẹ nhàng mở chiếc chăn đang trùm đầu cậu bé ra thì phát hiện một cảnh tượng bất ngờ.
Thì ra Đình Đình đang nói mớ, dù mắt vẫn nhắm nghiền nhưng cậu bé liên tục chắp tay nói lời xin lỗi, nước mắt thì chảy dài trên mặt: “Con sai rồi, con xin lỗi, con sai rồi con không dám như thế nữa.”
Xót cho cậu học trò nhỏ, cô giáo đã ôm Đình Đình vào lòng để dỗ dành, an ủi. Lúc này, cậu bé mới không còn nói mớ nữa và dần ngủ ngon giấc hơn. Nhìn khuôn mặt của Đình Đình dù đang ngủ vẫn rất sợ hãi, cộng thêm thái độ có phần nghiêm khắc của mẹ cậu bé trong những buổi đầu khi gửi con đến trường, cô giáo đã đoán có chuyện gì đó không ổn nên đã nhanh chóng liên hệ với phụ huynh của Đình Đình, ngỏ ý muốn gặp riêng gấp ngay chiều nay.
Chiều hôm đó, mẹ của Đình Đình đã xuất hiện và được cô giáo trình bày cho nghe câu chuyện xảy ra trong giờ ngủ trưa, lúc này, khuôn mặt của người mẹ lộ rõ vẻ ân hận. Mẹ của Đình Đình cho biết có lẽ con bị ám ảnh vì trận đ.òn hôm qua.
Do làm vỡ một chiếc bình khá đắt tiền, người mẹ không nén được sự tức giận nên đã khá nặng tay với con. Cô cho biết từ nhỏ Đình Đình đã rất hiếu động, hay bày trò nghịch ngợm nên cả hai vợ chồng lúc nào cũng phải hết sức nghiêm khắc, “thẳng tay” trong việc răn dạy con để mong cậu bé sợ mà vâng lời, ngoan ngoãn hơn. Thế nhưng có lẽ cách dạy con này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của đứa trẻ.
Cô giáo sau khi nghe mẹ Đình Đình nói thì dường như đã hiểu ra vấn đề, tuy rất đồng cảm với phụ huynh nhưng nữ giáo viên vẫn khuyên mẹ Đình Đình nên cố gắng bình tĩnh trong chuyện dạy con.
Nghiêm khắc sẽ giúp con có kỷ cương, nề nếp hơn nhưng nghiêm khắc cần đúng nơi đúng chỗ. Nếu không sẽ rất dễ gây tổn thương tâm lý của trẻ, lâu dần con sẽ có cảm giác xa cách với chính bố mẹ và khả năng xấu hơn là trẻ có thể ngày càng trở nên ngỗ ngược, khó dạy dỗ hơn.
Thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều phụ huynh mắc phải sai lầm khi dạy con như mẹ của Đình Đình. Yêu con, thương con nhưng lại không ngại dùng những lời mắng mỏ, thậm chí là đ.òn r.oi để dạy con.
Sử dụng b.ạo lự.c để uốn nắn con trẻ chưa bao giờ là một phương pháp được khuyến khích. Lý do là vì b.ạo lự.c sẽ chỉ làm tăng khả năng gây ra những tổn thương lên tâm lý đứa trẻ và những ảnh hưởng đến tương lai con về sau thực sự vô cùng khó lường.
Khi con ương bướng, không nghe lời, bố mẹ nào cũng sẽ dễ nổi nóng, tuy nhiên, hãy cố gắng bình tĩnh hết sức để tránh phạm phải những sai lầm. Hãy nhớ rằng, b.ạo lự.c trong bất cứ hình thức nào chỉ đều có tác dụng tạm thời, khiến trẻ sợ hãi, lo lắng và ngày càng xa cách hơn với bố mẹ.
Muốn con nghe lời, hãy nghiêm khắc đúng chỗ, đưa con vào khuôn khổ nhưng cũng phải biết đồng hành, chỉ bảo nhẹ nhàng để con cảm nhận được tình yêu thương của mình và dần thay đổi các bố mẹ nhé.