Đất trồng lúa là loại đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước (đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm) và đất trồng lúa khác (đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương).
Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lí theo quy định của Luật Đất đai.
Bị thu hồi đất trồng lúa, người dân được đền bù thế nào? Ảnh minh họa: Trần Tuấn
Trường hợp thu hồi đất trồng lúa để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng sẽ được đền bù theo quy định. Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai 2013, ngoài các khoản đền bù bằng đất hoặc bằng tiền khi bị thu hồi, người bị thu hồi đất trồng lúa còn có thể được xem xét nhận các hỗ trợ khác như:
– Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất;
– Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm
Với những trường hợp là cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất bị thu hồi mà có điều kiện tiếp tục sản xuất thì có thể được xem xét hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm.
Mức hỗ trợ cụ thể do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ dựa trên điều kiện thực tế của địa phương;
– Hỗ trợ khác.
Đối với các trường hợp là hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà bị thu hồi đất trong khi chưa đủ điều kiện được bồi thường thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét hỗ trợ cho phù hợp với điều kiện của địa phương.
Các khoản hỗ trợ khác này sẽ do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định dựa trên tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo người dân đều có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất.