Năm 2024: Xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng.

Xây dựng nhà ở trái phép trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng là hành vi trái luật. Ảnh minh họa: Ngô Cường
Mức phạt khi xây nhà trên đất nông nghiệp

Khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định, việc chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta.

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta.

– Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.

– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.

– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 1 héc ta.

– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 3 héc ta.

– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3 héc ta trở lên.

Đáng chú ý hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt trên.

Xây nhà trên đất nông nghiệp có thể bị phạt hàng trăm triệu đồng

Người sử dụng đất cố tình thực hiện xây dựng nhà ở trái phép mặc dù đã bị xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình.

Hồ sơ chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư

Điều 6 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 2.6.2014 quy định, để chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất thổ cư, hộ gia đình, cá nhân chuẩn bị bộ hồ sơ, gồm:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT).

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Sau đó người dân cần nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường (cấp huyện). Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá 3 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.