Từ 2025 giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe có thể phạt tối đa lên đến 60 triệu đồng.
So với trước đây, cá nhân hoặc tổ chức giao xe cho người chưa đủ tuổi điều khiển sẽ bị phạt rất nặng kể từ năm 2025.Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP. Hà Nội cho biết, hiện nay tình trạng học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt tại các khu vực đô thị và tuyến đường gần trường học. Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và sự an toàn của cộng đồng.
Theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, người điều khiển xe mô tô từ 50cm3 trở lên phải đủ 18 tuổi và có giấy phép lái xe phù hợp. Đối với xe mô tô dưới 50cm3, độ tuổi tối thiểu là 16. Tuy nhiên, nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi vẫn điều khiển xe phân khối lớn. Điều này một phần xuất phát từ việc phụ huynh giao xe mà không kiểm soát hoặc do các em tự ý sử dụng xe.
Ảnh minh hoạ/ plo.vn
Từ 01/01/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Trong đó, có quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Cụ thể, phạt tiền từ 08 – 10 triệu đồng đối với cá nhân giao xe mô tô, xe gắn máy; phạt tiền từ 16 – 20 triệu đồng đối với tổ chức giao xe mô tô, xe gắn máy.
Đáng chú ý, nếu giao xe ô tô cho người chưa có đủ điều kiện điều khiển, mức phạt tăng lên 28 – 30 triệu đồng đối với cá nhân và 56 – 60 triệu đồng đối với tổ chức.
Như vậy, so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP trước đây chỉ phạt tiền 800.000 – 2 triệu đồng thì mức phạt hiện tại đã tăng gấp hàng chục lần. Đây cũng là mức phạt được đánh giá là đủ sức răn đe, hạn chế được hành vi giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển của các bậc cha mẹ.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng cho hay, nếu hành vi giao xe dẫn đến tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, chủ phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Đây là lời cảnh tỉnh đối với các phụ huynh khi lơ là trong việc quản lý phương tiện hoặc thiếu ý thức về trách nhiệm khi giao xe cho con em.
Theo chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo (nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia), việc cha mẹ không làm gương chính là nguyên nhân dẫn tới tình huống học sinh xem thường luật lệ, coi nhẹ tính mạng của chính mình cùng người và phương tiện tham gia giao thông khác. Người điều khiển phương tiện giao thông muốn an toàn thì phải đáp ứng được hai yêu cầu: Thứ nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện thông qua sát hạch; thứ hai là hiểu biết pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cả hai yêu cầu này, lứa tuổi học sinh đều không đáp ứng được. Nâng cao chế tài xử phạt là cần thiết để nâng cao trách nhiệm, ý thức của các bậc phụ huynh trong kiểm soát phương tiện, không giao xe cho con em, học sinh và những người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.