Cả làng tôi không chia đất thừa kế cho con gái

Ở làng tôi có lệ không có nhà nào chia đất cát, nhà cửa thừa kế cho con gái vì lấy chồng sẽ hưởng phần theo nhà chồng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làm thuộc vùng ngoại thành Hà Nội. Ở đâu không biết nhưng ở làng tôi, từ xưa đến nay, hầu như không có nhà nào chia đất cát, nhà cửa cho con gái. Nếu có cho thì cũng là do nhà chồng của con gái quá khó khăn nên bố mẹ mới cắt cho một ít để làm nhà.

Còn lại, giống như một luật bất thành văn, con gái cứ về nhà chồng là sẽ được hưởng phần theo chồng. Nhà ai cũng vậy, nên cứ ai có nhiều con trai là lại phải lo toát mồ hôi vì chuyện đất cát sau này. Có lẽ cùng vì thuận theo nếp sống đó nên gần như tôi không thấy có vụ tranh chấp đất đai nào giữa con trai và con gái. Đơn giản vì phận con gái chẳng bao giờ có phần thừa kế.

Cả làng tôi không chia đất thừa kế cho con gái

Vài năm trở lại đây, cũng có vài nhà bắt đầu thay đổi suy nghĩ, cũng chia thừa kế cho cả con gái. Cũng một phần vì bây giờ người ta sinh ít con hơn nên cũng dễ chia hơn. Tuy nhiên, con gái thường được chia phần thừa kế ít hơn con trai khá nhiều. Con gái cũng hay được bố mẹ cho tiền hơn là chia nhà cửa, đất đai.

Còn việc chăm sóc bố mẹ thì cơ bản vẫn là các cụ ở với con trai hoặc ở một mình. Nếu có ở với con gái thì cũng là vì giúp con chăm cháu là chính và cũng phải được sự đồng thuận của mọi người. Nhưng đến cuối đời, hầu như họ vẫn phải về với con trai khi đã già yếu. Thậm chí, họ ở với con dâu, cháu trai khi con trai qua đời trước.

Còn con gái chỉ chạy qua, chạy lại, có đồng quà, tấm bánh hoặc giàu có thì có thể chu cấp tiền để phụ giúp nuôi bố mẹ già. Nói chung là quan hệ có qua có lại. Con gái người ta lo việc nhà mình thì con gái nhà mình lo việc nhà người ta. Chắc cũng vì nếp suy nghĩ như vậy nên chuyện thừa kế ít có phần cho phận nữ nhi.
Trong vô vàn những câu chuyện đau lòng chỉ vì tài sản thừa kế mà tàn sát lẫn nhau, cần lắm những con người thực hiểu được giá trị sâu sắc của tình thân.

Chia tài sản thừa kế làm sao để giữ nếp nhà?

Trong suy nghĩ của nhiều bố mẹ, để lại tài sản cho con cái luôn là vấn đề quan trọng và cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Liệu có nên để lại tài sản cho con hay không? Con cái có biết cách sử dụng số tài sản đó một cách khôn ngoan như mình mong đợi?
Nhiều bố mẹ lo lắng rằng nếu để lại một khoản tài sản lớn thì con sẽ ỷ lại, lười làm việc, không có chí phấn đấu. Thêm nữa, khi phân chia, con cái trong nhà cảm thấy không thoả mãn với cách phân chia của bố mẹ.

Cũng có không ít gia đình dạy con cái rằng cha mẹ chỉ hỗ trợ khi khó khăn, đừng kỳ vọng cha mẹ cho tài sản có sẵn, hay tự làm mà tiêu.
Trước đây, số đông trong chúng ta vẫn hay có tư duy, khi con trai lấy vợ phải có nhà để đón dâu, bố mẹ sẽ lo cho con trai chỗ ở. Nếu xác định rõ thì nên sang tên hoặc có di chúc, tránh tranh chấp với các con khác. Điều này hợp lý, con gái sẽ ít thắc mắc.

Ngoài ra, con gái đi lấy chồng làm dâu. Nếu lấy được nhà chồng có điều kiện, sẽ được nhờ vả nhà chồng. Nếu không thì cha mẹ cũng có dành khoản giúp đỡ để con khỏi khó khăn.
Nhiều nhà con trai kinh tế vững vàng hơn, bố mẹ sẽ ưu tiên cho con gái. Điều quan trọng, họ dạy con cái tự lập, không dựa dẫm vào tài sản thừa kế. Nhà của bố mẹ là nơi tụ tập quây quần, là nơi các con trở về, không phải là món hời để tranh chấp.

Cái gốc của mọi vấn đề vẫn nằm ở yếu tố gia đình, sự dạy bảo của bố mẹ. Nếu một gia đình có sự gắn kết, yêu thương bền chặt và được trau dồi, giáo dục từ nhỏ sẽ hiếm có trường hợp “anh em tương tàn vì tài sản”.
 

Nhiều người từ chối nhận tài sản của cha mẹ và chuyển hết quyền này cho anh chị em ruột. Ảnh minh hoạ

“Cuộc chiến” chia tài sản thừa kế

Thực tế cho thấy sự bất cập trong việc để lại tài sản thừa kế cho các con của cha mẹ đã làm nảy sinh những bi kịch gia đình đau lòng.
Những bản di chúc chia tài sản thừa kế của cha mẹ lại biến thành nguyên nhân để con cái oán hận đấng sinh thành, ghét bỏ, từ mặt anh/chị/em ruột thịt. Thậm chí là khởi nguồn của những thảm án gia đình thảm khốc.

Việc để xảy ra tranh chấp, tranh giành di sản thừa kế sẽ gây tác hại tiêu cực cho những người liên quan và tác động tiêu cực đến cả xã hội.
Ở các nước có nền pháp lý phát triển, vấn đề thừa kế, tặng cho tài sản giữa những người thân trong gia đình, dòng họ được thực hiện rạch ròi, minh bạch.
Thông thường bất cứ ai có tài sản đều có thỏa thuận phân chia tài sản hoặc có sẵn di chúc phân chia di sản thừa kế cho người thân trước khi chet.
Vì thế đã hạn chế, phòng ngừa rất nhiều các tranh chấp có thể xảy ra trong trường hợp con cái, anh em, họ hàng có sự tranh chấp di sản do người thân để lại.

Theo Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu (Bộ Công an), hiện tượng tình thân tương tàn vì mâu thuẫn đất đai từ các vụ án mạng gia đình gần đây là do xuất phát từ sự ích kỷ cá nhân cao độ, coi trọng giá trị vật chất.
Khi thực hiện các hành vi phạm tội, họ đã tuyệt đối hóa giá trị cá nhân, coi nhẹ giá trị đạo đức và giá trị truyền thống gia đình. Chính sự suy thoái nhân cách đã khiến họ vung dao vào người thân của mình.

Chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu cho rằng để ngăn ngừa sự xuống cấp đạo đức ấy về mặt xã hội cần có những khung pháp lý để điều chỉnh và tăng cường xây dựng nếp sống gia đình văn hóa. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp giáo dục từ nhà trường, cộng đồng, các cơ sở hòa giải, nâng cao công tác của các ngành chức năng…
Về góc độ gia đình cần có sự nêu gương, nêu cao gia phong, gia đạo, duy trì nề nếp gia đình Việt, xây dựng các tổ chức dòng họ tự quản. Có như vậy, chúng ta mới điều tiết được những xung đột mâu thuẫn trong gia đình, tránh những bi kịch đau lòng.