Việt Nam phát hiện mỏ khoáng sản quý, trong đó có gần 30 tấn vàng
Trong số các mỏ khoáng sản mới được tìm thấy ở Việt Nam, có tới 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn.
“Mỏ vàng” của Việt Nam được hơn nửa thế giới săn đón: thu về hàng chục tỷ USD, các cường quốc Mỹ, Nga tích cực chốt đơn
Ảnh: Minh Họa
Việc phát hiện 110 mỏ khoáng sản quý là kết quả của Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế – xã hội” (hay còn gọi là Đề án Tây Bắc ). Đề án này được coi là một trong những nhiệm vụ địa chất quan trọng nhất trong chiến lược điều tra cơ bản của ngành địa chất và khoáng sản Việt Nam.
Kết quả của Đề án Tây Bắc đánh dấu một chặng đường, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới nhằm khai thác tiềm năng tài nguyên một cách hiệu quả, bền vững, gắn với phát triển kinh tế – xã hội của vùng Tây Bắc trong thời gian tới.
Mới đây, vào ngày 28/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả của Đề án Tây Bắc.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Quý Kiên, sau gần 8 năm triển khai, Đề án Tây Bắc đã hoàn thành được bản đồ địa chất – khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 trên 13.381 km, bao phủ vùng Tây Bắc. Đặc biệt, Đề án phát hiện 110 mỏ khoáng sản thuộc 25 loại khoáng sản quý và quan trọng.
Trong số đó có 17 mỏ lớn (gồm 5 mỏ khoáng sản kim loại, 10 mỏ khoáng chất công nghiệp, 2 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng), 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ. Trong số những mỏ khoáng sản kim loại, có tới 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 29,8 tấn vàng và 5 mỏ đồng với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 13.000 tấn đồng kim loại.
Ngoài ra, tại một mỏ đồng ở tỉnh Lào Cai, các đơn vị nghiên cứu còn phát hiện ra khoáng sản đi kèm vàng, với tổng tài nguyên cấp 333 xác định được hơn 420 kg vàng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tây Bắc không chỉ là vùng phên dậu chiến lược của đất nước mà còn là kho tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Nhưng thời gian qua, tiềm năng khoáng sản quý giá vẫn chưa được khai thác đúng mức vì thiếu dữ liệu khoa học chính xác và đồng bộ. Chính vì vậy, việc hoàn thành Đề án Tây Bắc không chỉ giúp làm rõ tiềm năng tài nguyên khoáng sản mà còn cung cấp bản đồ địa chất chi tiết, cập nhật và chuẩn hóa để phục vụ cho công tác quản lý, quy hoạch, khai thác khoáng sản hiệu quả và phát triển bền vững của các địa phương.