Giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh và thị trường rộ lên tin đồn Mỹ có thể hoãn áp dụng thuế quan mới.
Giá vàng hôm nay của thế giới giảm thẳng đứng
Khoảng 6 giờ sáng 8-4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới rơi xuống 2.986 USD/ounce, giảm 54 USD so với mức giá cao nhất trong phiên giao dịch đêm qua là 3.040 USD/ounce.
Đà giảm mạnh của giá vàng hôm nay xuất hiện sau khi thị trường lan truyền thông tin vô căn cứ là Mỹ sẽ tạm dừng việc áp thuế quan mới trong 90 ngày. Động thái này khiến giới đầu tư bán tháo vàng, đẩy giá lao xuống dốc không phanh.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với những người nắm giữ các loại ngoại tệ khác. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục đi lên, giá dầu thô giảm sâu, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư chuyển hướng sang trái phiếu và thị trường nhiên liệu. Những yếu tố này càng tạo thêm áp lực khiến giá vàng suy giảm mạnh.
Tại thị trường trong nước, ngày 7-4, giá vàng SJC được bán ra ở mức 101,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng nhẫn bán ra ở mức 100 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giảm mạnh còn 2.963 USD một ounce trong khi dầu Brent chốt phiên 7/4 ở 64,2 USD một thùng, mức thấp nhất gần 4 năm.
Giá vàng thế giới chốt phiên 7/4 đi lùi 2,4% xuống mức 2.963,19 USD một ounce. So với phiên cuối tuần trước, kim loại quý này đã giảm gần 72 USD.
Thị trường mở cửa khá triển vọng trong đầu phiên giao dịch ở New York, sau đó bị bán tháo và chỉ phục hồi trong thời gian ngắn cùng với chứng khoán Mỹ nhờ tin đồn tạm dừng thuế quan trong 90 ngày. Vàng và cổ phiếu sau đó bị bán trở lại khi Nhà Trắng phủ nhận và Tổng thống Trump đe dọa áp thuế nhiều hơn với Trung Quốc.
Giá vàng thế giới lao dốc trong phiên 7/4. Đồ thị: Kitco
Giá vàng hiện chịu áp lực bởi đà thanh lý vị thế trên thị trường tương lai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, chỉ số USD tăng và giá dầu thô sụt giảm. Chỉ số đồng đôla Mỹ (DXY) tăng vững chắc trong phiên hôm qua, phục hồi từ mức thấp nhất 6 tháng của tuần trước. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 15,8 điểm cơ bản lên 4,13%.
Giá vàng đã giảm 6% so với mức cao nhất mọi thời đại của tuần trước. Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng
“không có gì lạ” khi vàng bị bán tháo trong bối cảnh xảy ra nhiều biến động.
Giá dầu thô cũng trượt xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm qua. Giá dầu Brent loại LCOc1 giảm 1,37 USD mỗi thùng, tương đương 2,1%. Đóng cửa phiên 7/4, giá chốt ở mức 64,21 USD.
Còn giá dầu thô WTI loại CLc1 của Mỹ giảm 1,29 USD, tương đương 2,1% và chốt ở mức 60,7 USD. Trong phiên, có lúc loại này xuống dưới 60 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021 khi đại dịch vẫn đang hoành hành.
Các nhà phân tích năng lượng coi giá 60 USD là ngưỡng quan trọng, báo hiệu các nhà sản xuất dầu có thể giảm hoạt động và cắt sản lượng.
Những lo ngại về thuế quan từ chính quyền Donald Trump đang là nguyên nhân dẫn đầu cho sự sụt giảm. Gabriele Sorbara, giám đốc điều hành tại Siebert Williams Shank & Co., cho biết hầu hết các nhà sản xuất dầu sẽ có cách tiếp cận là chờ đợi xem thuế quan sẽ ảnh hưởng ở mức độ nào và thị trường tiếp tục phản ứng ra sao. Trước đó, thị trường cũng đã canh cánh mối lo về nhu cầu toàn cầu đi xuống theo suy thoái kinh tế.
Ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, cảnh báo thuế quan có thể gây thiệt hại lâu dài, trong khi nhà quản lý quỹ Bill Ackman nêu quan điểm rằng chúng có thể dẫn đến “mùa đông hạt nhân kinh tế”.